Trong báo cáo chiến lược mới nhất, từ các số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, SSI Research nhận định việc đóng cửa kéo dài gần hai tháng ở Trung Quốc đã thúc đẩy chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam trong ngắn hạn, hoặc thậm chí trong dài hạn khi quốc gia này vẫn chọn duy trì chiến lược Zero-COVID.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất tiếp tục ổn định trong quý II, trong đó chế biến chế tạo (tăng 11,45% so với 7,72% trong quý I) là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế, nhờ sự kết hợp của mức nền thấp trong 2021 kết hợp với tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ (tăng 21% so với 13,4% trong quý I). Một số ngành sản xuất nổi bật bao gồm sản xuất trang phục (quý II tăng 26,8% so với cùng kỳ), điện tử (tăng 11,4%) và dược phẩm (tăng 24,6%).
Xuất khẩu và nhập khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong quý II.
Xuất khẩu tăng 21% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 15,7%. Cán cân thương mại đạt thặng dư 710 triệu USD trong 6 tháng đầu năm.
Nếu so sánh theo tháng, xuất khẩu tháng 6 (tăng 5,6% so với tháng trước, 20% so với cùng kỳ) phục hồi nhẹ sau khi Trung Quốc bỏ các lệnh phong tỏa vào đầu tháng 6.
Tuy nhiên, các nhóm ngành chủ chốt ghi nhận mức tăng trưởng hầu như đi ngang hoặc giảm nhẹ so với tháng 5, như thủy sản (tăng 23,7% so với cùng kỳ, so với 34,4% trong tháng 5), hàng may mặc (tăng 19,1%, so với 23,1% tháng 5), điện tử (tăng 9,8%, so với 25,1% tháng 5).
Trong khi đó, nhóm giày dép (tăng 26%, so với 11,9% tháng 5), điện thoại (tăng 15,35%, so với 15% tháng 5) và máy móc (tăng 68,9%, so với 41,4% trong tháng 5) ghi nhận đà tăng được mở rộng.
Tuy nhiên SSI cũng lưu ý số liệu thương mại của Tổng cục Thống kê chỉ là thống kê sơ bộ và thường có sự khác biệt với số liệu thực tế của Hải quan (sẽ công bố trong vài ngày tới).