Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các sự kiện kinh tế thế giới gần đây. Tính từ thời điểm đầu năm, VN-Index đã giảm 300,68 điểm chốt phiên 30/6, tương đương mất 20,1%. Vẫn biết rằng cơ hội và rủi ro luôn song hành trên thị trường chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư thời điểm hiện đều có tâm lý lo lắng trong giai đoạn thị trường phức tạp.
Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022”, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư - Người điều hành Quỹ VESAF, VinaCapital cho rằng các nhà đầu tư đặc biệt là những nhà đầu tư mới cảm thấy lo lắng vào thời điểm này là hoàn toàn bình thường. Nhưng những nhà đầu tư lâu năm đều biết đây không phải lần đầu thị trường có mức sụt giảm như vậy.
Trong quá khứ có một số thời điểm thị trường giảm rất mạnh do những yếu tố như định giá, lãi suất, chiến tranh, thương mại, dòng tiền – những thứ luôn tạo nên sự biến động. Thị trường Việt Nam sau đó luôn luôn hồi phục và những nhà đầu tư mua vào ở những giai đoạn biến động thực tế đã có hiệu suất rất cao so với việc chờ đợi.
Bà Phương khẳng định thời điểm hiện tại quả thật đang rất khó khăn tuy nhiên so sánh với những giai đoạn giảm khác đều có những điểm khác biệt. So sánh giữa năm 2022 và năm 2018, định giá ở hai thời điểm là một trời một vực. Định giá hiện tại so với đỉnh năm 2018 chỉ bằng một nửa.
Triển vọng của Việt Nam nhìn trong bối cảnh thị trường thế giới suy thoái cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng nội tại của Việt Nam hiện giờ nếu so sánh với năm 2011 – năm thị trường cũng giảm do các yếu tố vĩ mô, hai điều kiện của vĩ mô rất khác biệt.
“Vậy chúng ta phải nhìn rõ vào nội tại của doanh nghiệp và khả năng chống chịu đã tốt hơn trước rất nhiều. Những yếu tố trong ngắn hạn như một phép thử có thể phân loại được công ty nào là công ty tốt, công ty nào không đủ sức để vượt qua.
Chúng tôi nhìn ở đây biến động ngắn hạn như một thử thách tuy nhiên với định giá hấp dẫn như vậy, việc thị trường phản ứng tích cực trở lại có thể xảy ra bất cứ khi nào. Tất nhiên ta không thể biết chính xác khi nào nó xảy ra, nhưng một khi xảy ra những yếu tố đó, lập tức thị trường sẽ có những thay đổi tích cực”.
Góc nhìn còn lại chuyên gia cho rằng năm nay với điều kiện phân hóa như hiện tại thì thị trường phục hồi sẽ đi theo hướng chậm rãi và bền vững. Với kịch bản này, thật sự không phải điều kiện quá lý tưởng cho các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư có tầm nhìn, tư tưởng đầu tư lướt sóng ngắn hạn giống như những năm trước và quan trọng thiếu đi khả năng phân tích về doanh nghiệp.
“Tuy vậy chúng tôi với tư cách là những quỹ đầu tư, đây là một cơ hội để có thể xem xét một số công ty trong tầm ngắm của mình”.
Nói về chiến lược trong 6 tháng cuối năm, bà Phương cho rằng VESAF vẫn sẽ rất thận trọng vì những yếu tố nút thắt tạo ra sự sụt giảm của thị trường chưa được xử lý. Việc chúng ta quan sát và giữ một thái độ cẩn trọng để quản lý rủi ro cho danh mục là cần thiết.
Theo bà Phương, nhóm cổ phiếu ngân hàng có định giá đã tốt, nhà đầu tư có thể xem xét từ từ để giải ngân trong những tháng tiếp theo đồng thời cân đối lại danh mục của mình, tiếp tục đón nhận những cơ hội tiếp theo.
“Nhưng có một điều, như đã nói tôi mong muốn thị trường đi lên bền vững hơn. Điều kiện của thị trường này sẽ lặp lại như năm 2019. Giai đoạn đó chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán chỉ tăng 8% nhưng những cổ phiếu có yếu tố cơ bản lúc đó lại tỏa sáng.
Thời điểm đó FPT là một trong những công ty có hiệu suất kết quả kinh doanh rất tốt, mức tăng giá đạt 30 – 60%. Hoặc những công ty nhỏ hơn như DHC, PTB vào năm 2019 suất khẩu rất tốt dẫn đến mức độ tăng giá của họ vượt trội so với mức 8% của VN-Index. Nhóm ngân hàng năm đó không phải ngân hàng nào cũng tăng, Vietcombank trong năm đó tăng đến 70%”.