Chứng khoán

Giám đốc Phân tích VNDirect: Thị trường chứng khoán Việt nửa cuối 2023 lạc quan hơn nửa đầu

 

Trong chương trình DInsights tháng 12 diễn ra chiều ngày 9/12, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích của VNDirect cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 được chia thành hai giai đoạn.

Nói về những động lực và thách thức cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, bà chia sẻ “Có vẻ như là động lực thì ít, mà thách thức thì nhiều.”.

Những thách thức chủ yếu như lãi suất và tỷ giá phải kéo dài ít nhất đến quý II năm 2023, nhìn vào triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng có sự tương đồng, khi tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận ở quý I, quý II chậm hẳn đi, chỉ khoảng 5%, sau đó mới có sự cải thiện hơn ở quý III, quý IV năm 2023.

Trong bối cảnh như vậy, bà Hiền nhận định kinh tế hay thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là bài toán về giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay khả năng doanh nghiệp có chống chọi được với mức lãi suất cao hay không, đây là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Cho dù thị trường vừa qua ghi nhận những đợt tăng giá nhưng chủ yếu tăng vì một số doanh nghiệp, một số ngành rơi về mức định giá quá rẻ, trong khi đó thiếu những động lực thực sự hỗ trợ thị trường có đà tăng dài và vững chắc hơn. Do đó, nửa đầu năm 2023 mức độ rủi ro trên thị trường sẽ còn nhiều.

Chương trình DInsights tháng 12 với chủ đề Triển vọng kinh tế và Chiến lược đầu tư năm 2023. (Ảnh chụp màn hình).

Bà Hiền nhấn mạnh: "Bất cứ đợt tăng nào của thị trường trong nửa đầu năm 2023 vẫn tương đối mong manh và có khả năng đổ vỡ bất cứ lúc nào, cho nên nhà đầu tư cần luôn luôn nâng cao yếu tố quản trị rủi ro.".

Sang nửa cuối năm 2023, bà Hiền chia sẻ có thể lạc quan và tự tin hơn vào thị trường, mặc dù lạm phát trong nước năm sau sẽ tăng so với năm nay, nhưng nhìn vào những cấu phần khiến lạm phát tăng trong năm sau hầu hết đến từ những mảng dịch vụ, những khoản có thể kiểm soát được như giá điện, một số dịch vụ công (như học phí, dịch vụ vận tải,...).

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang rất mỏng. Với việc thu hút FDI như hiện nay, dự trữ ngoại hối có thể được hồi phục vào giữa năm 2023, giúp tạo nên dư địa để Nhà nước tiếp tục thực hiện những chính sách về tài khoá, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023.

Nhận định về dòng vốn nước ngoài, bà Hiền chia sẻ khá tự tin về dòng vốn này ở thời điểm hiện tại. Nếu nhìn lại trong quá khứ, năm 2020 và 2021 thị trường Việt Nam rất tốt nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng liên tục, một trong những lý do bà đưa ra khi đó là thị trường Việt Nam đang không có những nhóm đầu tư lớn trên thế giới như cổ phiếu liên quan đến công nghệ, xe điện ....

Khi những cổ phiếu này ở thị trường nước ngoài bị bán, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sang những mảng truyền thống hơn như năng lượng, ngân hàng, tiêu dùng,...

Do đó, những thị trường mới nổi như Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi, và dòng vốn chạy vào thị trường Việt Nam hiện nay đang chiếm rất nhỏ so với dòng vốn chạy vào các thị trường mới nổi. Dòng vốn này rõ ràng vẫn đang có xu hướng chạy rất mạnh vào các thị trường mới nổi như Indonesia, Malaysia, Đài Loan,... Bà chia sẻ: "Các trend của các dòng vốn này thường kéo dài ít nhất 6, 7 tháng".

 

Trong chương trình, Giám đốc Phân tích VNDirect dự đoán VN-Index sẽ ở mức 1.300 – 1.350 vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, bà Hiền chia sẻ ba cổ phiếu cá nhân bà yêu thích trong năm 2023 là VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam theo trào lưu đầu tư công và hai mã thuộc ngành năng lượng là PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 và HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm