Theo quan sát, thị trường chứng khoán sau khi có sự điều chỉnh nhẹ lại tiếp tục tăng trong các phiên gần đây. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay VN-Index đã có sự tăng trưởng trên 20%. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thị trường tăng điểm, cùng với việc thời điểm hiện tại đang là thời điểm được cho là vùng trũng thông tin hỗ trợ, cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng, dẫn đến việc các nhà đầu tư đang hoài nghi về sự tăng trưởng của thị trường.
Chia sẻ tại Talkshow “Phố Tài chính”, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về diễn biến thị trường thời gian tới cũng như đưa ra lời khuyên đầu tư cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường rơi vào vùng trũng thông tin như hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian qua cũng đã có sự cải thiện hơn, theo bà vào thời điểm này những thông tin không tích cực đã qua hết chưa?
Bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS): Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến khá tích cực trong tháng 7 và tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 3,7% và 2,6% và một số nhà sản xuất họ đã bắt đầu nhận được lượng đơn hàng nhiều hơn so với 6 tháng vừa qua.
Những điểm sáng khác của nền kinh tế chẳng hạn như đầu tư công hay FDI cũng ghi nhận những con số tương đối tích cực. Trong 8 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công tăng khoảng 17%, đạt khoảng gần 50% so với kế hoạch. Nếu so với nhiều năm gần đây thì đó thực sự là một con số ấn tượng. Trong tháng 7 và tháng 8 vốn đăng ký mới FDI tăng hơn 40% trong tháng 8. Đây là những con số có thể hỗ trợ cho tỷ giá ở trong nước vẫn giữ ở mức như hiện tại.
Vì vậy, những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh được nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các thông tin tiêu cực đã qua đi mà chúng ta cũng cần phải quan sát thêm những thông tin từ thị trường thế giới.
Thị trường chứng khoán luôn đi trước và phản ánh và hầu như các thị trường toàn cầu đã có sự tăng trưởng mạnh, trong đó có thị trường Việt Nam. Hiện nay giới đầu tư nước ngoài đang đánh giá thị trường Việt Nam là điểm sáng của chứng khoán châu Á. Bà nghĩ như thế nào về điều này?
Trái ngược với thế giới, những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam vẫn còn đó. Nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến rất tích cực. Hệ thống KRX có thể sẽ được đưa vào vận hành trong năm nay. Bên cạnh đó, lãi suất của thị trường Việt Nam đang có xu hướng giảm rất rõ nét.
Nếu nhìn vào những diễn biến của năm 2022 thì các chỉ số chứng khoán thế giới đều có sự phục hồi từ giữa năm 2022. Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 2 và tháng 3 năm nay mới thực sự tăng tốc đáng kể, có nghĩa là chu kỳ phục hồi của chúng ta đi sau một chút so với thị trường chứng khoán thế giới. Điều này lý giải cho việc chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong thời gian vừa qua.
Nhiều dự đoán cho rằng sau khi thị trường tăng trưởng tốt với những thông tin tích cực, thì vào thời điểm hiện tại như mọi năm luôn được coi là thời điểm trũng thông tin hỗ trợ và thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Vậy tại sao thị trường vẫn đang trong những phiên giao dịch tích cực?
Khác với mọi năm, trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9 năm nay thì có vẻ như chúng ta đón nhận khá nhiều thông tin tích cực hơn ở bối cảnh vĩ mô. Chẳng hạn như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam cũng là một trong những thông tin tích cực vì qua đó mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới và hỗ trợ cho một số ngành nghề kinh tế cơ bản của Việt Nam chẳng hạn như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng. Chúng ta sẽ có những sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở Mỹ.
Ngoài ra, ở thị trường chứng khoán cũng chờ đợi nhiều thông tin tích cực. Chẳng hạn như việc đưa vào hoạt động hệ thống KRX, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng không còn quá xa vời nữa.
Theo bà thị trường sẽ diễn biến trong xu hướng như thế nào?
Nhìn vào 4 tháng cuối năm, tôi khá lạc quan về diễn biến của thị trường vì những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường sẽ nhiều hơn. Tất nhiên chúng ta vẫn còn những quan ngại nhất định như vấn đề về lạm phát, tỷ giá nên nhà đầu tư cần thận trọng và chú ý quan sát.
Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm khá lạc quan về thị trường. Chúng tôi cũng đưa ra dự báo rằng VN-Index trong những tháng cuối năm có thể vươn lên vùng mục tiêu 1.320 điểm, dựa trên cơ sở P/E có thể ở mức 14 – 14,5 lần và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có thể ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2023.
Trong giai đoạn vừa rồi, nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối khi hết lần này đến lần khác bỏ lỡ các nhịp tăng trưởng tích cực. Vậy thời điểm này họ nên có phương án như thế nào cho hiệu quả?
Tôi cho rằng không phải tất cả đều sẽ có lợi. Mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều có các câu chuyện riêng. Đối với đầu tư công, tôi cho rằng đây vẫn là một câu chuyện đầu tư trọng điểm trong 2 – 3 năm tới. Du lịch hàng không là một ngành được hưởng lợi có vẻ khá rõ ràng khi các chính sách nới lỏng visa thúc đẩy được lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản hay vật liệu xây dựng có lẽ đã qua được thời điểm khó khăn nhất. Mặc dù chưa hẳn là tích cực nhưng mức độ suy giảm ở những tháng cuối năm 2023 sẽ thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, dù ở thời điểm nào tôi cũng cho rằng nhà đầu tư cần phải đề cao việc quản trị rủi ro, hạn chế sử dụng đòn bẩy và đặc biệt luôn luôn theo dõi những thông tin chính thống, tránh đầu tư theo tin đồn.