Báo cáo tài chính quý 2/2022 đến thời điểm này cho thấy có 39 doanh nghiệp lãi trước thuế trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị duy nhất có mức lãi trên 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể trong quý 2, lọc dầu Bình Sơn ghi nhận 52.391 tỷ đồng doanh thu thuần. Đây là con số cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này. So với cùng kỳ 2021, doanh thu thuần của lọc dầu Bình Sơn tăng trưởng tới 88%. Trong khi đó giá vốn hàng bán ghi nhận mức 41.705 tỷ đồng, tăng 60%. Điều này khiến biên lãi gộp của BSR lần đầu tiên cán mốc 20%. Kết quả lợi nhuận trước thuế trong quý 2 vừa qua BSR ghi nhận mức 10.466 tỷ đồng, tăng 5,98 lần cùng kỳ.
Vì sao BSR ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng như vậy trong quý II vừa qua?
Đầu tiên là xem xét vị trí của lọc dầu Bình Sơn trong chuỗi giá trị ngành xăng dầu. Hiện Việt Nam nhập khẩu trực tiếp khoảng 8,2 triệu tấn, xuất khẩu 2,3 triệu tấn xăng dầu và 4,6 triệu tấn dầu thô. Lượng dầu thô này được các nhà máy lọc dầu gồm Nghi Sơn, Bình Sơn, Dung Quất xử lý trở thành xăng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Sản lượng sản xuất xăng dầu của BSR và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn năm 2021 gần tương đương nhau ở mức lần lượt 6,5 triệu m3,tấn và 6,7 triệu m3, tấn, tổng cộng chiếm khoảng 65-70% tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa.
Sang đến năm 2022, các hoạt động kinh tế, sản xuất và thương mại đã và đang dần được mở cửa hoàn toàn trở lại, nhu cầu xăng dầu tăng cao và được dự báo tăng trưởng trở lại mức 6%-8%. Tuy nhiên từ quý 1/2022, do vấn đề tài chính NMLD Nghi Sơn đã giảm công suất liên tục và hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất. Để bù cho sự thiếu hụt này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo NMLD Bình Sơn gia tăng công suất lên 105%. Điều này dẫn đến Lọc dầu Bình Sơn được hưởng lợi kép từ gia tăng công suất bù cho NMLD Nghi Sơn, trong đó có sản lượng tiêu thụ.
Không chỉ hưởng lợi từ tăng sản lượng, doanh thu Lọc dầu Bình Sơn còn đến từ việc giá thành phẩm tăng mạnh.
Cụ thể trong những tháng đầu năm giá dầu tiếp tục tăng cao và dự báo neo cao trong năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 dự báo tăng 3.2% lên 100.6 triệu thùng/ngày từ mức 97.5 triệu thùng/ngày của năm 2021. Trong khi đó nguồn cung tiếp tục tăng chậm do nhóm OPEC kiểm soát nguồn cung và sản lượng khai thác dầu Mỹ cũng được dự báo tăng chậm. Đặc biệt xung đột Nga- Ukraine đang đẩy giá dầu tăng lên mức cao nhất từ 2008. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo sản lượng dầu của Nga sẽ giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2022 nếu các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu khí của Nga. Các yếu tố này đang làm giá dầu tăng mạnh trong những tháng đầu năm và dự báo neo cao trong cả năm 2022 mặc dù có thể giảm dần về cuối năm.
Chênh lệch giữa các sản phẩm hóa dầu và dầu thô tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022. Mức chênh lệch giữa giá các sản phẩm xăng dầu, hóa dầu và dầu thô (crack spread) có xu hướng tăng lên mức trên 10 USD/thùng trong các tháng đầu năm 2022 so với mức 5-8 USD/thùng trong các quý năm 2021. Điều này giúp BSR có thể gia tăng biên lợi nhuận do giá đầu ra tăng nhanh hơn giá đầu vào.