Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca chỉnh sửa được thực hiện trên bệnh nhân 23 tuổi mắc dị tật bẩm sinh, khiến chân trái không phát triển, bên cao bên thấp chênh lệch 18 cm.
"Đây là ca chỉnh sửa chân với độ dài cần kéo là 18 cm, cao nhất từ trước đến nay, đồng thời vừa chỉnh biến dạng vẹo ở cẳng chân" - Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết.
Lúc 8 tuổi, bệnh nhân quê Vĩnh Phúc, đã được tạo hình lại khớp háng trái. Năm 10 tuổi, anh được kéo dài cẳng chân trái 4 cm. Tuy nhiên, chân trái kém phát triển nên tiếp tục ngắn hơn chân phải, vẹo ra sau. Đồng thời, khớp háng bên trái của bệnh nhân biến dạng phức tạp.
Học xong đại học, chân trái của bệnh nhân thấp hơn, lệch 18 cm so với chân phải. Ngoài ra, khớp cổ chân trái biến dạng, mắt cá ngoài bị kéo lên cao 1,5 cm, khiến bàn chân vẹo ra ngoài, cẳng chân trái cong vẹo ra sau.
Với biến dạng phức tạp như vậy, các bác sĩ phải chỉnh thẳng, đồng thời kéo dài cẳng chân và đùi cho bệnh nhân theo hai phương pháp khác nhau.
Khó khăn nhất của ca này là mức kéo dài lớn nên nhiều nguy cơ như co rút gân gót, cứng duỗi khớp gối, liền xương kém; vừa kéo dài vừa chỉnh biến dạng ở chân, đồng thời kéo dài trên một cẳng chân trước đây đã được kéo dài một lần... Bên cạnh đó, xương chày ở cẳng chân bị cong vẹo nên rất khó đóng đinh nội tủy. Cổ chân biến dạng, thiểu sản mắt cá ngoài, khớp háng trái biến dạng nên có nguy cơ sai khớp khi kéo.
Cuối năm ngoái, bệnh nhân bắt đầu quá trình sửa lỗi tạo hóa của mình. Anh được đóng đinh nội tủy ở cẳng chân để giữ chân thẳng trục, đồng thời cẳng chân và đùi bệnh nhân sẽ được cố định bằng khung cố định ngoài. Xương đùi và xương cẳng chân được cắt rời với đường mổ nhỏ chỉ 2 cm. Mỗi ngày bệnh nhân sẽ tự vặn khung cố định ngoài theo hướng dẫn và xương sẽ sinh thêm ở khe giữa hai đầu xương bị cắt rời.
Trung bình một tháng, mỗi xương được kéo sẽ "dài ra" được 3 cm. Khi kéo được ba tháng, bác sĩ bỏ khung cố định và đặt một nẹp khóa (vào trong xương đùi) để cố định xương thay cho khung, còn xương chày thì được cố định bởi một đinh nội tủy. Lúc này, bệnh nhân không cần đeo khung, có thể sinh hoạt, không đau đớn, không cản trở động tác gấp gối, thuận tiện phục hồi chức năng.
Sau gần một năm chỉnh sửa, tái khám lần gần nhất vào tháng trước, hai chân của chàng trai đã bằng nhau, đi lại bình thường, không cần phải đi giày chỉnh hình 18 cm như trước.
Bệnh nhân sau khi chỉnh sửa (Ảnh: BVCC)
Tiến sĩ Lượng cho biết, hai nhóm có nhu cầu kéo chân, gồm kéo dài chân bệnh lý và nhóm thẩm mỹ. Nhóm bệnh lý là can thiệp cho người có hai chân so le thành hai chân bằng nhau. Với nhóm thẩm mỹ, những người có tầm vóc thấp nhỏ sẽ được kéo chân để có tầm vóc cao lớn hơn.
Trước năm 2011, khi kéo chân theo phương pháp cổ điển, tức bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm trời, thì số lượng bệnh nhân rất ít, mỗi năm chỉ 2 - 3 trường hợp. Nay, sử dụng phương pháp mới, số lượng bệnh nhân tăng lên, trung bình khoảng 30 - 40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, 2/3 dưới 30 tuổi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng, kéo dài chân có thể kéo ở hai nơi: cẳng chân và đùi. Sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, bệnh nhân có thể tiếp tục kéo dài ở đùi. Phần xương kéo dài hoàn toàn ổn định, người sau khi kéo dài xương có thể vận động thoải mái, thậm chí đá bóng.
Độ tuổi tốt nhất để một người phẫu thuật kéo dài chân là 18 - 35. Đây là giai đoạn xương đã hết tuổi phát triển và có khả năng phục hồi tốt. Nhiều người bị hạn chế về chiều cao rất muốn thực hiện loại hình phẫu thuật này song lo sợ đau đớn. Thực tế, bệnh nhân chỉ đau tại vết mổ, hoặc trong quá trình đeo khung cố định bị viêm chân do đinh xuyên qua da, song trường hợp này ít xảy ra.
"Dĩ nhiên, không có gì là dễ dàng. Không phải tự nhiên mà tăng được đến 6 - 7 cm chiều cao như vậy. Tất cả bệnh nhân phẫu thuật kéo dài chân đều phải có quyết tâm và ý chí rất lớn" - bác sĩ Lượng chia sẻ thêm.