Thời sự

Giai đoạn giải ngân đầu tư công kỳ vọng tăng tốc, đóng góp lớn cho hồi phục kinh tế

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), giải ngân vốn đầu tư NSNN là một trong những liều thuốc mạnh mẽ kích thích kinh tế. Điều này tiếp tục được phản ánh trong gói dự toán NSNN 2022, dự thảo kế hoạch phát triển 2021-2025 và gói kích thích kinh tế mới.

Cụ thể, dự toán năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 526.106 tỷ đồng và 540.600 tỷ đồng. Trong khi đó, gói kích thích kinh tế  đều có phân bổ một cấu phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trị giá 113.000 tỷ đồng với tổng gói ở mức 347.000 tỷ đồng. BSC cho rằng giải ngân vốn NSNN năm 2022 ước tính đạt từ 447.190 tỷ đồng đến 499.801 tỷ đồng, tương với tốc độ tăng trưởng từ (7,2-19,8% so với cùng kỳ năm ngoái). 

 

BSC dự tính 2 kịch bản cho tình trạng giải ngân kế hoạch của vốn NSNN. Kich bản thứ nhất ước tính tốc độ giải ngân nằm ở vùng thấp tương đương năm 2021 và kịch bản thứ 2 nằm ở vùng cao của giai đoạn 2017 trở về trước ở mốc 95%. 

 

Còn trong báo cáo mới đây, SSI Research dự báo việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn trong giai đoạn tới, nhất là sau cuộc họp Quốc hội vào cuối tháng 5 khi các rào cản về pháp lý có thể giải quyết.    

Nói về tác động của việc đẩy mạnh đầu tư công - hạ tầng, báo cáo đánh giá của BSC cho rằng, gói kích thích kinh tế, đặc biệt là gói đầu tư công sẽ là khung sườn cho Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2023.

Mặc dù quy mô không lớn so với quy mô gói kích thích kinh tế của một số nước phát triển hoặc một số nước Đông Nam Á, nhưng điểm then chốt để đạt được tính hiệu quả tối ưu lại nằm ở yếu tố tốc độ giải ngân nhanh có thể giúp cho doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi.  

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập 6  đoàn kiểm tra để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức bình quân chung của cả nước. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh đầu tư công trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành quá trình thẩm tra.  

Hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đã chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tiến độ giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2022 còn thấp. 

Tính đến cuối tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 18,5% kế hoạch năm 2022 (thấp hơn so với mức 18,65% cùng kỳ). Xét theo số tuyệt đối, hoạt động giải ngân ghi nhận mức tăng 11,3% so với cùng kỳ.        

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh nếu có vướng mắc về chính sách pháp luật, các đơn vị cần kiến nghị rõ để trình Quốc hội đề nghị sửa đổi; nếu liên quan đến các nghị định của Chính phủ cần nêu cụ thể để Chính phủ xem xét giải quyết kịp thời.  

Một số cơ quan tham dự cuộc họp  nêu nguyên nhân, khó khăn trong quá trình giải ngân như: vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; các sản phẩm thép và vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá cả tăng cao; một số dự án được giao năm 2022 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định...

Trước tình hình trên, các cơ quan đã kiến nghị trình Thủ tướng cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ có phương án và giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công bị ảnh hưởng bởi giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng tăng cao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh một lần nữa nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022 với tổng trị giá hơn 700.000 tỷ đồng là nguồn lực hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị 9 cơ quan, đơn vị thuộc Tổ công tác số 1 xem xét lại khả năng giải ngân theo từng quý để kịp thời chuyển giao nguồn vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt.

Trước tình hình giá vật liệu xây dựng và các sản phẩm thép tăng cao, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy trình, thủ tục giải ngân, tạo điều kiện tạm ứng tối đa, thanh toán nhanh, hỗ trợ phần nào khó khăn cho nhà thầu.

Đồng thời, Ban Quản lý các dự án có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao năng lực, thẩm quyền, từ đó góp phần đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với từng cơ quan, đơn vị, đóng góp kịp thời cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm