Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 350 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại 25 quốc gia.
Cha mẹ lo lắng tiêm vắc xin cho con phòng viêm gan
Trước sự việc trên, các bậc phụ huynh tại Việt Nam không khỏi lo lắng cho con em mình, đặc biệt là vấn đề tiêm vắc xin viêm gan cho con cũng được bàn tán sôi nổi tại các diễn đàn mạng xã hội.
Chị Nguyễn Phương Loan (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà tôi có 3 cháu, bạn lớn nhất đang học lớp 5, còn hai bạn sau vẫn còn đang học mẫu giáo. Như những thông tin tôi đọc được trên báo chí thì các con tôi đều thuộc nhóm tuổi có khả năng mắc bệnh viêm gan bí ẩn cao nhất nên tôi thấy vô cùng lo lắng.
Thú thật tôi cũng chột dạ, phải lục sổ tiêm của các cháu vì không nhớ các cháu đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm gan chưa. Rất may, các cháu đều đã được tiêm phòng các bệnh viêm gan như A, B đầy đủ, nên dù bệnh viêm gan này không do các virus thông thường gây nên thì vẫn thấy yên tâm được phần nào''.
Anh Đức Hân (30 tuổi, Hà Nội) cũng bày tỏ: ''Trước đây tôi cũng không quá chú trọng đến việc tiêm vắc xin viêm gan B cho con, vì cứ nghĩ trời sinh trời dưỡng, thế hệ như chúng tôi đâu có ai được tiêm phòng. Nhưng hiện nay trên thế giới xuất hiện rất nhiều bệnh nguy hiểm như viêm gan bí ẩn nên gia đình cũng nhanh chóng đưa các con đi tiêm đầy đủ''.
Thậm chí, bác sỹ bác sỹ Trương Hữu Khanh- chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM cũng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc nhiều cha mẹ lo lắng chuyện tiêm vắc xin cho con: "Một số phụ huynh bị viêm gan bí ẩn dọa nên quên hỏi: Con em hồi lúc sanh chưa hay chỉ chích 1 mũi viêm gan B giờ chiếc nhắc làm sao bác'. 5 trong 1 TCMR và 6 trong 1 có viêm gan B rồi, lo lắng nên quên''.
Vì sao trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ?
Dưới 5 tuổi, sức đề kháng của trẻ còn rất non yếu, đặc biệt đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng,…Trong khi đó, điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường…tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát triển.
Hiện nay, mặc dù y học đã có sự phát triển vượt bậc nhưng nhiều loại bệnh ngay cả khi được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong. Đó là lý do vì sao trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe trọn đời.
Lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ chính là giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin Engerix B/ Euvax B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B được tiêm cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.
Khi trẻ 2 tháng tuổi, sẽ tiếp tục được tiêm vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) hoặc dạng 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), Infanrix IPV + Hib (Bỉ) (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.
Khi trẻ 3 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B
Khi trẻ 4 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
Khi trẻ 15 – 24 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu tiêm 5 trong 1 thì tiêm thêm mũi viêm gan B). Đồng thời, tiêm vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc).
Vì sao cần thiết tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh?
Theo GS.TS Phan Trọng Lân-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virut viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm virut viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.
Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virut viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.
Trong các đường lây truyền virut viêm gan B, lây từ mẹ qua con (chu sinh) là nguồn nhiễm virut viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền virut từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng.
Nếu mẹ có HBsAg và HBeAg thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virut viêm gan B. Nếu mẹ chỉ mang HBsAg thì khoảng 10% trẻ bị nhiễm. Lây truyền trong bào thai rất hiếm xảy ra, ước tính khoảng dưới 2% trong hầu hết các nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy virut VGB lây truyền qua đường nuôi con bằng sữa mẹ.
90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính. Vì vậy, ngay cả các quốc gia đã phát triển cũng thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B lúc sơ sinh.
Chưa kể 15.000 trẻ xơ gan, ung thư gan và tử vong trong 1 năm, với hơn 60 ngàn trẻ mà 90% không có biểu hiện lâm sàng, mạn tính, sẽ là nguồn lây nhiễm rất lớn cho cộng đồng.
Virut viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này, khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Nếu mẹ bị nhiễm có HBsAg và HBeAg thì 90% trẻ sẽ bị lây truyền; hoặc mẹ nhiễm chỉ có HBsAg thì khả năng lây truyền là 10%. Virut có thể truyền sang trẻ khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc.
Tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Thống kê của WHO năm 2006, trong 193 quốc gia có 163 (84%) nước triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó 81 (42%) quốc gia thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh, kể cả các nước đã phát triển như Mỹ, Canada... Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Khác với vắc-xin phòng lao, bại liệt và vắc-xin viêm gan B mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc-xin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với virut ngay khi sinh, đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của virut và vắc-xin tạo ra kháng thể kịp thời bắt lấy virut đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ. Cơ chế này giống như tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là tiêm ngay khi nghi bị chó, mèo dại cắn, nhưng có lẽ bệnh dại có thể thấy nguy cơ tử vong ngay; còn viêm gan B ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong.
Tiêm phòng vắc xin giúp cơ thể trẻ có thể chống lại các loại virut, vi khuẩn ở những lần xâm nhập sau
PGS.TS. Phan Trọng Lân cũng khuyến cáo, trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg âm tính, mặc dù trên lý thuyết là không mắc viêm gan B, tuy nhiên vẫn nên tiêm vắc xin ngay sau sinh vì một số lý do sau:
- Xét nghiệm âm tính giả trong khi mẹ vẫn đang nhiễm virut viêm gan B; chưa kể chất lượng xét nghiệm, ghi chép nhầm, báo cáo nhầm.
- Mẹ đang nhiễm ở thời kỳ cửa sổ (30 - 60 ngày) nên không phát hiện được qua xét nghiệm.
- Một số trường hợp chủng đột biến virut viêm gan B nên có thể lẩn tránh hệ thống miễn dịch và không phát hiện được qua xét nghiệm máu.
- Mẹ xét nghiệm HBsAg âm tính nhưng đứa trẻ có thể bị phơi nhiễm viêm gan B trong phòng sinh từ một sản phụ khác hoặc nhân viên y tế từ người thân khác đang mắc viêm gan B.