Dữ liệu từ Oilprice cho thấy, thời điểm đầu ngày 28/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 93,06 USD/thùng, tăng 0,54 USD; dầu thô Brent giao dịch ở mức 101,1 USD/thùng, tăng 1,65 USD, tương đương 1,6%.
Trong khi đó, cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bán lẻ tại Singapore với A92 là 111,9 USD/thùng, với A95 là 115,7 USD/thùng, dầu diesel là 146,1 USD/thùng. Mức giá này cao hơn ngày 22/8 từ 3 - 9 USD/thùng.
Trước diễn biến đi lên của giá dầu thế giới, đại diện một doanh doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối dự đoán giá bán lẻ trong nước có thể tăng theo. Tuy nhiên, từ nay đến kỳ điều chỉnh giá còn dài. Do kỳ điều chỉnh tới rơi vào kỳ nghỉ lễ 2/9 nên nhiều khả năng cơ quan điều hành sẽ lùi đến 5/9.
“Từ nay đến trước ngày điều hành giá, nếu dầu thế giới tiếp tục đi lên hoặc duy trì như hiện tại, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng. Mức tăng tùy thuộc vào tình hình biến động giá thế giới những ngày tới và điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG)”, vị này nói.
Gần đây, thị trường xăng dầu trong nước nóng lên bởi câu chuyện “chiết khấu 0 đồng”, tức hoa hồng đại lý giảm về 0, khiến các cửa hàng bán lẻ càng bán càng lỗ.
Không những thế, quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng của một nhà phân phối khiến các đại lý xăng dầu tư nhân bị động về nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cơ quan quản lý cần cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, giúp đa dạng nguồn hàng, kho đầu mối này đứt nguồn họ có thể nhập kho đầu mối khác, tránh tình trạnh đứt nguồn buộc đóng cửa…
Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nêu quan điểm, việc các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối giảm chiết khấu xăng dầu xuống mức thấp, thậm chí hạ xuống 0 đồng là chuyện bình thường trong kinh doanh. Theo báo cáo, hiện nay, giá xăng dầu tại thị trường Singapore cao hơn giá bán lẻ trong nước, khi nhập xăng dầu mới về, các doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ từ vài trăm đến 2.000 đồng/lít.
Về mặt nguyên tắc, kinh doanh có thị trường, khi lãi cao, khi lãi thấp, thậm chí có khi lỗ. Bản thân doanh nghiệp đầu mối nhập về cũng đang lỗ thì chiết khấu cho đại lý 0 đồng là bình thường. Giá thế giới có thời điểm mua xuất kho còn âm.
"Những khi đại lý có lãi thì không thấy thắc mắc, khi thị trường gặp khó, bán giá vốn, lỗ chi phí thì kêu cứu. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận, doanh nghiệp đầu mối đang lỗ rất sâu, khó có thể gánh cả lỗ cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ”, vị này nhấn mạnh.
Liên quan câu chuyện đa dạng hóa nguồn hàng, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, theo quy định hiện nay, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập từ một nguồn hàng duy nhất. Nguyên nhân chính là do xăng dầu có đặc tính chất lỏng, dễ trộn lẫn nên không xác định được nguồn cung cấp tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (kho, bể, cửa hàng...).
Ngoài ra, dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống kinh tế xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn tới người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, xác định được trách nhiệm của thương nhân đầu mối…nên cần quy định đại lý và cửa hàng bán lẻ theo nguyên tắc chỉ lấy xăng dầu từ một nguồn cung cấp.
"Trường hợp đại lý, cửa hàng…lấy xăng dầu từ nhiều nguồn thì sẽ rất khó xác định được trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố về chất lượng xăng dầu", đại diện doanh nghiệp đầu mối lý giải.
Ngày 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng, theo hướng giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95 cũng đi ngang so với kỳ điều hành trước, ở mức giá 24.669 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).