Tăng thu nhập giống như một chỉ tiêu giúp chúng ta nhận ra rằng những nỗ lực cố gắng trong công việc đã được đền đáp xứng đáng. Nó cũng có nghĩa là bản thân sẽ bớt đi những nỗi lo về "cơm - áo - gạo - tiền", không còn sợ "rỗng ví".
Song, thực tế lại hoàn toàn khác biệt. Có nhiều bạn trẻ tiêu sạch tiền lương cho dù tăng thu nhập, hay thậm chí còn mắc nợ. Phần lớn đều do chi tiêu tăng lên quá cao, vượt qua cả thu nhập và những quan điểm sai lầm về tiền bạc.
Cùng gặp 2 bạn trẻ sau đây để hiểu hơn tình huống này của các bạn trẻ.
Hạnh Chi, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập 17 triệu/ tháng
Linh Nhi, 24 tuổi làm trong lĩnh vực truyền thông, thu nhập 16 triệu/ tháng
Mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống
Chắc hẳn một trong những lý do để mọi người nỗ lực hơn trong làm việc, tăng thu nhập với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống "xịn" hơn. Hạnh Chi cũng là 1 người như vậy "Theo mình, ai cũng mưu cầu một cuộc sống có chất lượng hơn. Khi thu nhập tăng, việc chi tăng, nâng cao chất lượng cuộc sống là hiển nhiên. Khi chi tiêu nhiều hơn mình cũng có cảm giác thành tựu, giống như là phần thưởng vì mình đã nỗ lực để thăng tiến, tăng lương trong công việc".
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Cũng như giống như Hạnh Chi, Linh Nhi cũng cho rằng lý do đầu tiên khiến cô bạn chi tiêu nhiều hơn là vì muốn cuộc sống tốt hơn. "Mình đã tăng lương gấp 2 lần so với công việc cũ, đó là khoảng thời gian rất cố gắng của bản thân. Do vậy, mình đã tự thưởng bằng cách mua những đồ chất lượng hơn. Chẳng hạn, trước đó mình thường xuyên dùng dầu gội thường khoảng 200-300 nghìn đồng cho cả gội và xả, bây giờ mình chuyển sang mua dầu gội cặp với giá xấp xỉ 500 nghìn đồng. Đối với mình, đây là ý nghĩa của sự cố gắng".
Bên cạnh đó, với những khoản to hơn, Linh Nhi chia sẻ rằng bản thân sau khi tăng thu nhập thường xuyên chi tiền để đi du lịch trải nghiệm nhiều hơn. Đây là một trong những cách để cô bạn gặp được nhiều người hơn, mở mang tầm mắt từ đó tiếp thu kiến thức mới từ trong thực tế.
"Mình đi du lịch, học cách tự xoay sở giải quyết những vấn đề phải gặp trên đường. Và để có được những chuyến đi đó tất nhiên phải có tiền. Từ khi được tăng lương, mình cũng thường xuyên đặt vé máy bay đi chơi dễ dàng hơn mà không phải suy tính như trước", Linh Nhi bộc bạch.
Lương cao hơn đồng nghĩa với áp lực cuộc sống tăng theo
Song, mặt trái của việc đạt được mục tiêu tăng thu nhập chính là áp lực công việc cũng tăng lên theo. Hạnh Chi chia sẻ "Mình còn khá trẻ để được mức thu nhập như vậy có nghĩa là mình phải làm nhiều hơn, áp lực công việc cũng theo đó tăng theo".
Đây là một trong những lý do theo Hạnh Chi cho là không được hay lắm mỗi khi "vung tay" chi tiêu quá đà. Mỗi lần công việc quá áp lực, bị sếp nhắc nhở, hay không thể hoàn thành được nhiệm vụ trong ngày, cô bạn thường xuyên mua trà sữa để uống hoặc gọi cơm trưa ăn ngon để cải thiện tâm trạng trở nên tốt hơn.
"Mình hiểu rằng chi tiêu như vậy rất không khoa học, nhưng mình luôn cho rằng bản thân đã cố gắng đến mệt mỏi như vậy rồi, phung phí một chút cũng không sao. Có những ngày làm việc mệt quá, tối về còn không có năng lượng để ăn tối, vậy là lại gọi giao hàng. Một ngày như vậy, ăn ngoài 3 bữa, không tốt cho sức khỏe cũng như ví tiền nhưng mệt quá nên mình cũng không biết làm sao nữa".
Bên cạnh đó, Linh Nhi cho rằng bản thân có nhiều tiền hơn trong người nên có cảm giác như nó sẽ không bao giờ hết. "Hồi trước học đại học chỉ có 2-3 triệu đồng/ tháng bố mẹ cho tiêu vặt, sau đó đi làm mức lương 10 triệu đồng/ tháng, bây giờ đã đạt mức 16 triệu cao gần 7-8 lần hồi đại học. Do vậy cứ ngỡ rằng dù tiêu xài hoang phí cũng sẽ không hết tiền".
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Linh Nhi từng tiêu sạch tiền lương trong 1 tháng cho những lần mua sắm quá tay, thay vì ăn nhà thì thường xuyên ăn quán, rồi sử dụng ứng dụng công nghệ đặt xe chứ không tự đi xe như trước. "Lúc đó mới tăng lương, nghĩ rằng mình phải có cuộc sống "xịn" hơn, chi tiêu quá đà, xém tí cuối tháng còn phải mượn tiền bạn bè dù lương tăng gần gấp đôi".
Học cách quản lý chi tiêu lại từ đầu
Linh Nhi nhấn mạnh rằng lương tăng, chi tiêu tăng theo được cho là một điều bình thường trong cuộc sống. Không có lý do gì để bản thân nỗ lực hết mình, sau đó không chi tiêu tiền cho những thứ đáng chi. Song, để liệt kê được những khoản mục có thể chi tiêu mạnh tay hơn phải dựa trên nhu cầu cá nhân, điều gì bản thân cảm thấy có ý nghĩa và muốn cải thiện hơn.
"Mình nghĩ rằng đó là 1 quá trình bản thân vẫn đang nỗ lực để đạt được. Từ lúc mình chi tiêu quá tay cho đến khi bản thân nhận thức được ra điều đó cũng mất 1 khoảng thời gian không ngắn. Mình vẫn đang trên con đường điều chỉnh lại ngân sách để có thể ổn hơn. Có 1 mẹo mình đang áp dụng và cảm thấy khá tốt đó chính là luôn giữ nguyên phần trăm tiết kiệm/ thu nhập. Tức là ngày trước lương 10 triệu đồng/ tháng mình tiết kiệm 50% là 5 triệu đồng. Sau này, khi tăng thu nhập lên 16 triệu đồng, mình vẫn giữ mức 50% là tích lũy 8 triệu/ tháng rồi dần dần tăng phần trăm lên. Đồng thời, học cách xoay xở với số tiền còn lại sao cho chi tiêu phù hợp nhất".
Đối với Hạnh Chi, trong bất kỳ vấn đề tài chính nào, biết quản lý và có kế hoạch nghiêm khắc với bản thân luôn là chìa khóa chung. "Khi tăng chi tiêu, mình sẽ tự đặt ra hạn mức nhất định hợp lý và không tiêu quá số tiền này trong tháng. Ví dụ, nếu lương tăng thêm 4 triệu, mình sẽ chi tiêu nhiều hơn 2 hoặc cùng lắm là 3 triệu so với trước đây. Như vậy, mình vẫn tiết kiệm được nhiều hơn 1 triệu/tháng so với trước đây. Với mình, tăng lương cũng đồng nghĩa phải tăng cả chi tiêu lẫn tăng khoản tiết kiệm một cách hài hòa".