Theo báo cáo kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,005% của CPI tháng 8 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó, lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 1,33%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%).
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,27% do nhu cầu tiêu dùng cao, đồng thời giá nguyên liệu sản xuất đồ uống tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giao thông giảm 5,51% (làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm).
Lạm phát cơ bản