Tài chính

Giá vàng tuần qua: Lập đỉnh rồi đột ngột lao dốc, người lướt sóng lãi đậm

Giá vàng nhẫn tuần qua (8-13/4) biến động mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh. Trong vòng 3 ngày đầu tuần, giá vàng nhẫn đã tăng tới 4 triệu đồng/lượng và vượt mốc 78 triệu đồng/lượng, có nơi niêm yết lên tới 78,6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh, ngày 11/4, giá vàng nhẫn lập tức quay đầu giảm, mức giảm phổ biến là 2 triệu đồng mỗi lượng. Sang ngày 12/4, giá vàng lại đảo chiều đi lên và đến hôm nay 13/4 lại một lần nữa đảo chiều đi xuống. 

Giá vàng nhẫn, SJC tuần qua: Lập đỉnh rồi đột ngột lao dốc, người lướt sóng lãi đậm- Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu

Tương tự, giá vàng SJC cũng có một tuần đầy biến động, lên xuống 500 nghìn - 1 triệu đồng mỗi phiên. Vàng miếng chính thức lập đỉnh mới 85 triệu đồng/lượng vào sáng thứ 6 tuần này, rồi sau đó quay đầu giảm mạnh. Đến sáng hôm nay 13/4, giá vàng miếng tiếp tục giảm sâu xuống dưới 84 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng nhẫn, SJC tuần qua: Lập đỉnh rồi đột ngột lao dốc, người lướt sóng lãi đậm- Ảnh 2.

Giá vàng SJC tại DOJI Hà Nội.

Đáng chú ý, giá vàng nhẫn, vàng SJC còn biến động mạnh, đảo chiều ngay trong phiên. Đơn cử như ngày 10/4, giá vàng SJC tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn khi mở cửa giảm tới 400 - 700 nghìn đồng/lượng. Nhưng chỉ hơn 1 tiếng sau, giá vàng SJC đã hồi trở lại, tăng 300 nghìn đồng/lượng. Đến chiều, giá vàng SJC lại tăng mạnh cả triệu đồng, niêm yết ở mức 82,4-84,4 triệu đồng/lượng.

Hay như trong ngày 11/4, giá vàng SJC cũng biến động mạnh trong phiên khi đầu giờ sáng giảm nhẹ nhưng đến chiều, giá vàng SJC lại quay đầu phục hồi, trở lại vùng đỉnh. 

Trước biến động tăng giảm mạnh của giá vàng trong nước, sáng ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24. Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước thông tin đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023...

Theo đó, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo kết luận số 160 ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian tới. Cụ thể, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Giá vàng nhẫn, SJC tuần qua: Lập đỉnh rồi đột ngột lao dốc, người lướt sóng lãi đậm- Ảnh 3.

Diến biến giá vàng SJC trong vòng 1 tháng qua. Chart: Cafef.

Về giá vàng thế giới, ngày hôm qua (12/4), giá vàng giao ngay tăng 2,4% lên mức cao kỷ lục 2.431,52 USD/ounce. Với mức giá mới này, giá vàng thế giới đã tăng 4% trong tuần qua và 16% từ đầu năm đến nay, vượt mức tăng 13% ghi nhận của cả năm 2023. Đến sáng nay (13/4), giá vàng thế giới giao ngay còn 2.332 USD/ounce, giảm 100 USD/ounce. 

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Về lâu dài, nhiều người tin rằng, giá vàng còn dư địa tăng cao.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm