Khả năng biến động đó thể hiện rõ trong phiên tối qua (giờ Việt Nam); khởi đầu bằng đà giảm rất mạnh, xuyên sâu mốc 1.800 USD/ounce nhưng ngay sau đó lại phục hồi theo một số dữ liệu có sức tác động.
Còn trong nước, giá vàng SJC vẫn tương đối độc lập, khép lại một tuần tăng giá nhẹ.
Cụ thể, khảo sát đầu giờ sáng nay (2/7), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 68,2 – 68,8 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 600 nghìn đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng SJC tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán.
Tương tự, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 50 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều, đang niêm yết ở mức 68,15 – 68,75 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 600 nghìn đồng/lượng. So với cuối tuần trước, giá vàng tại doanh nghiệp này đã tăng 400 nghìn đồng/lượng chiều mua và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán.
Giá vàng trong nước nhích nhẹ phiên cuối tuần trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá vàng cũng đang phục hồi nhẹ.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.813 USD/ounce, tăng 5,5 USD, tương đương 0,3% so với chốt phiên trước.
Biểu đồ: Kitco
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 51,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17 triệu đồng/lượng, thu hẹp 250 nghìn đồng so với khoảng cách 17,25 triệu đồng/lượng trong sáng qua.
Trước đó, như đề cập ở trên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng đã có lúc giảm mạnh khi thị trường tin rằng Mỹ sẽ tăng thêm lãi suất 0,75 điểm % vào thời gian tới. Điều này cũng thúc đẩy USD tăng giá nhiều hơn nữa, tạo sức ép lên thị trường vàng.
Tuy nhiên, do dữ liệu sản xuất tại Mỹ suy giảm, lãi suất trái phiếu Mỹ lao xuống 2,8%/năm - mức thấp nhất từ đầu năm 2022 đến nay đã thúc đẩy nhiều người chuyển dịch vốn vào kim loại quý, thúc đẩy sự phục hồi của giá kim loại quý.