Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%.
Mức tăng trưởng 13,1% của bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2022 được đánh giá là rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021, đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-19,9% và -4,8%).
Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Nguyên nhân đến từ xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét từ 2 năm trở lại đây; Các khoản chi phí như tỷ lệ bồi thường, chi phí bán hàng tăng mạnh trở lại khi cuộc sống trở về bình thường trong khi cơ hội đầu tư ảm đạm.
Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp.
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển.
Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.
Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022. Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD vào năm 2025 và đạt hơn 12.000 USD vào năm 2045.
Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026.
Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).
Bên cạnh đó, khung pháp lý tiếp tục được nới rộng. Trong tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành Bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, với điều khoản chuyển tiếp cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những mục tiêu tích cực, tăng cường hợp tác, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.