Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam hiện đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp, tới từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, xuất hiện một thực trạng từ đời sống là hầu hết các khu công nghiệp hiện hữu đều chỉ tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và chú trọng tới lợi ích kinh tế, song chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động và cư dân sinh sống xung quanh các khu công nghiệp.
Thiếu hạ tầng xã hội khu công nghiệp
Qua khảo sát thực tiễn từ các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại một số địa phương, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đã rút ra kết luận:
"Không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại là trong các khu công nghiệp đang thiếu hụt rất lớn các dịch vụ cho người lao động, như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.
Đa phần các khu công nghiệp đều được thiết kế, xây dựng như những sản phẩm “may sẵn” nhằm tạo quỹ đất chỉ để kêu gọi các doanh nghiệp trong nước hoặc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tới thuê, khai thác tổ chức sản xuất...; chứ chưa đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa và các hạ tầng xã hội khác".
Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, để chủ đầu tư có động lực xây dựng nhà ở cho công nhân nói riêng và hạ tầng xã hội nói chung rất cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan chức năng, ông Phòng nhấn mạnh.
Trải qua hơn hai năm phải đương đầu, ứng phó với đại dịch COVID-19; nhất là chứng kiến làn sóng người lao động bỏ về quê do lo sợ dịch bệnh bùng phát mới thấy nhu cầu "an cư lạc nghiệp" của người lao động là tối quan trọng.
Nói cách khác, người lao động chưa cảm thấy an tâm cư trú tại các khu công nghiệp hiện hữu. Lý giải nguyên nhân vì sao các chủ đầu tư chưa quan tâm và đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho hay, thực tế phát sinh khá nhiều khó khăn.
Do thiếu hụt nguồn vốn nên nhiều dự án nhà ở xã hội đã không thể triển khai thực hiện. Do thiếu hụt quỹ đất vì đối với một số dự án nhà ở thương mại dưới 10 ha, chủ đầu tư được phép thực hiện trách nhiệm dành 20% quỹ xây nhà ở xã hội bằng phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Quan trọng hơn, là do thiếu chính sách ưu đãi đầu tư vì thực chất, chủ đầu tư dự án không được hưởng lợi nhuận từ 20% diện tích đất ở thương mại, bao gồm cả chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng cho phần đất ở thương mại mà chỉ được hưởng lợi nhuận tối đa 10% từ việc bán nhà ở xã hội và 15% từ việc cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao mà giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn rất nhiều.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư - Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho hay, việc kêu gọi nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội tại địa phương là rất khó khăn khi luật chỉ cho phép tối đa 20% diện tích căn hộ là thương mại.
Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp là đối tượng được thuê, mua nhưng lại khó tiếp cận vì điều kiện để được thuê, mua nhà ở xã hội rất chặt chẽ, như điều kiện về nhà ở, nơi cư trú và thu nhập...; quan trọng là họ thiếu kinh phí.
Khuyến khích đầu tư bằng cơ chế, chính sách
Theo ông Hoàng Quang Phòng, thực tế cho thấy, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.
Cả thực tiễn và lý luận cũng đều chỉ ra rằng, có sự quan tâm, bồi dưỡng nhân lực và đời sống tinh thần, phúc lợi, đảm bảo an toàn việc làm bền vững cho người lao động, thì người lao động mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp.
Ngược lại, người lao động làm việc với năng suất hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, nghĩa vụ lao động, làm việc với thái độ tích cực...mới thúc đẩy được hoạt động của doanh nghiệp, theo sau đó là sản xuất kinh doanh mới có lãi, có điều kiện để quan tâm tới việc làm và đời sống người lao động.
Đây chính là mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Từ những khó khăn đã vấp phải trong thực tiễn, ông Hồng Điệp khuyến nghị, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hay khu chế xuất trong thời gian tới; cũng như các công trình hạ tầng xã hội khác, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành thêm các cơ chế, chính sách riêng biệt về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng an sinh cho khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Phấn cho rằng, các cấp ủy Đảng cần tăng cường chỉ đạo việc phát triển nhà ở cho công nhân; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này; đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các cấp chính quyền song song với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch xây dựng và kế hoạch sử dụng đất.
Quan trọng hơn là tạo môi trường thu hút đầu tư để huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động tại khu công nghiệp.
Có thể thấy rằng, khi đã xác định vai trò quan trọng của các khu kinh tế, khu công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng và của cả nước nói chung; thậm chí là giữ vai trò quyết định trong giai đoạn trước mắt khi nền kinh tế đang cần thêm nhiều lực đẩy để gia tăng tốc độ tăng trưởng thì việc đồng bộ các quy định pháp lý về quy hoạch, chính sách, cơ chế trong quản lý phát triển nhà ở xã hội cùng các tiện ích hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp cần phải được ưu tiên hơn lúc nào hết. Để nơi đất lành, chim đậu, người người mới tề tựu, an cư mà lạc nghiệp.