Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại Nam Trực (Nam Định) về câu chuyện cho vay vàng của gia đình chị khi vừa không được lời cảm ơn vừa mang “tội”.
Chị Hằng cho biết, bố mẹ chị đều làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Thu nhập của bố mẹ chị chỉ được vài trăm nghìn đồng, thậm chí cách đây hơn chục năm còn chưa được 2 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, với bản tính tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn, ông bà tháng nào lấy lương xong cũng mua một chỉ vàng tiết kiệm, còn lại khéo co kéo sao cho đủ chứ nhất định không tiêu lạm vào.
“Bố tôi kể, khi tôi học lớp 6 là bố đã mua 5 cây vàng với giá chỉ 8 triệu đồng/cây để dành làm của hồi môn cho tôi và em trai sau này. Ngay cả xe máy bố tôi đi cũng mua với giá 7 cây vàng lúc bấy giờ. Mọi thứ bố mẹ tôi quy ra vàng hết”, chị Hằng kể.
Nhiều người có thói quen mua vàng cất két để "giữ nhà".
Có tiền lại mua vàng tiết kiệm nên khi bác xây nhà thiếu tiền trả công thợ và vật liệu, có hỏi mượn vay tiền, bố mẹ chị Hằng mang 2 cây vàng cho vay, không có hạn trả và không lấy lãi. Tuy nhiên, nếu khi nào cần phải báo trước ít nhất 1 tháng và khi trả thì phải trả bằng vàng.
Theo chị Hằng, năm đó là tháng 3/2019, giá vàng nhẫn là 36,9 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC có giá 36,6 triệu đồng/lượng. Hai cây vàng nhẫn bố mẹ chị cho vay trị giá khoảng 72 triệu đồng, bằng 1/5 giá trị căn nhà bác chị xây lúc bấy giờ.
Cho vay không lấy lãi, không giấy tờ cũng không có ngày hẹn phải trả, vậy nên, mặc dù nhiều lần nhắc khéo nhưng họ vẫn lần lữa, mãi không trả được. Mấy tháng trước, khi gia đình chị có kế hoạch tổ chức đám cưới cho em trai chị nên ngỏ ý xin lại số vàng đã cho vay. Tuy nhiên, đến hiện tại, không những không nhận lại được vàng mà nhà chị Hằng còn bị mang tiếng xấu.
“Nhà tôi báo trước nửa năm, vậy mà chỉ còn chục ngày nữa là đến ngày tổ chức đám cưới của em trai tôi mà bác tôi vẫn không trả. Đã thế, nhiều người trong họ hàng lại đến trách bố mẹ tôi quá đáng khi nhằm đúng lúc giá vàng cao nhất để đòi. Nợ không đòi được lại còn mất mặt với anh em, họ hàng”, chị Hằng nói.
Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng tăng lên mức kỷ lục khiến cả người vay và người cho vay đứng ngồi không yên.
Theo chị Hằng, chỉ chưa đầy 5 năm, giá vàng nhẫn đã tăng từ 36,9 triệu đồng lên 62,8 triệu đồng, tăng gần 26 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tăng từ 36,6 triệu đồng lên 74,2 triệu đồng, tăng hơn 37 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vì gia đình chị cho vay không lấy lãi, chưa kể là do thoả thuận vay vàng phải trả bằng vàng nên không trách được.
“Gia đình tôi chỉ có vàng để cho vay, nào ai biết vàng sẽ tăng hay giảm. Nếu giảm thì chúng tôi cũng có bảo gì đâu. Bác tôi không trả được cũng không nói trực tiếp lại đi nói xấu gia đình tôi khắp nơi. Không những không đòi được nợ mà cả nhà tôi rước bực vào người vì cho vay vàng”, chị Hằng thở dài.
Chung cảnh ngộ, chị Phạm Thị Hoàn, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho cháu trai bên chồng vay 2 lượng vàng năm 2018 để mua ô tô. Năm nay, kinh tế khó khăn, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, nhiều lần muốn đòi nhưng lại “ngại” người vay.
“Lúc tôi cho vay, giá vàng SJC chỉ 36,4 triệu đồng/lượng mà hơn 5 năm rồi mà cháu chồng tôi không trả. Từ năm ngoái đến năm nay, giá vàng tăng cao quá. Giờ thì hơn 74 triệu đồng/lượng, giá vàng tăng cao hơn gấp đôi so với thời điểm tôi cho vay rồi. Không đòi thì nhỡ vàng lên đến 80 hay 85, 90 triệu đồng/lượng thì sao. Ngược lại, nếu đòi nợ bây giờ cũng mang tiếng mình ích kỷ, có khi mất cả họ hàng”, chị Hoàn thở dài.
Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, giá vàng lên cao chưa từng thấy.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, pháp luật không cấm việc người dân và doanh nghiệp cho nhau vay vàng. Tuy nhiên, giá vàng lên xuống, biến động khá thất thường và đôi khi tăng, giảm giá rất lớn do nhiều yếu tố quốc tế khác nhau, hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của Nhà nước và các bên tham gia giao dịch. Vì vậy cần hết sức cân nhắc khi vay và cho vay bằng vàng.
Đối với người cho vay thì trước sau họ vẫn giữ một số lượng vàng cố định dù giá có tăng hay giảm bao nhiêu. Đối với người đi vay, khi trả nợ mà giá giảm thì có lợi, nhưng nếu giá tăng cao, thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi khi vay, thì sẽ vô cùng thiệt hại.
“Tức ngoài lãi suất vay (nếu có), thiệt do chênh lệch giá mua vào, bán ra, còn có thể phải trả thêm tiền do giá tăng. Khi đó lãi suất có thể tính thêm vài chục, thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm. Chính vì nguy cơ rủi ro rất lớn từ sự thất thường đó, nên ngành Ngân hàng đã cấm việc huy động và cho vay bằng vàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.