“Năng nhặt chặt bị” - ai mà chẳng từng nghe vài lần từ ông bà bố mẹ về mẹo tích lũy tiền bạc hiệu quả nhất. Không đầu tư tài chính, cũng chẳng buôn đất hay làm ăn to lớn, thế nhưng bố mẹ vẫn có của để dành, cất nhà hay mua xe nhờ một thói quen - đó là mua vàng tích sản.
Và cứ ngỡ mua vàng là thói quen của thế hệ trước thế nhưng nhiều chị em ngày này cũng chăm chỉ tích tiền hàng tháng để mua tài sản lấp lánh này, đợi mai này cần xây nhà, lấy vợ cho con thì đem đi bán chốt lời.
Ảnh minh hoạ
Mua vàng hơn 15 năm, lúc cần bán được 2,4 tỷ mua nhà
Thanh Thuý (39 tuổi, kinh doanh, TP.HCM) bắt đầu mua vàng tích lũy vào năm 2007. Thời điểm đó, cô mua nửa chỉ cho đến 1 chỉ mỗi tháng tùy thuộc vào thu nhập. Thói quen này được duy trì cho đến bây giờ. Hàng tháng ít nhất cô mua 1 chỉ vàng, nếu thu nhập “xông xênh” sẽ mua vài cây.
Thanh Thuý (Ảnh: NVCC)
Thanh Thuý tâm sự, lúc đầu mua vàng, vợ chồng cô chỉ nghĩ đến phòng trừ lúc con ốm đau sẽ có khoản dự phòng, không cần vay mượn. Nhưng sau khi có nhiều vàng hơn, cô đặt mục tiêu cho các lần tích lũy sau để mua xe máy tay ga, mua ô tô, mua nhà. Và gần đây, cô đã bán vàng để trả đứt tiền cọc mua nhà là 2,4 tỷ đồng.
Nguyên tắc khi mua vàng của Thanh Thuý khá đặc biệt. Cô thường mua vàng ngay khi vừa nhận được một khoản thu nhập, đồng thời không theo dõi giá vàng lên xuống hàng ngày vì mua với mục đích "tích luỹ". Bởi vì mua vàng thường xuyên với mức giá hợp lý, nên trung bình hàng năm, cô nhận được khoản lời khoảng 10 - 15%/năm, một mức lợi nhuận lý tưởng cao hơn lãi suất ngân hàng.
Trước đó, Thanh Thuý thường mua vàng miếng. Nhưng 2 năm gần đây, cô chuyển sang vàng nhẫn vì chúng bám sát hơn với giá vàng thế giới, ít biến động hơn trong thị trường trong nước. Một điều đặc biệt là Thanh Thuý thường xuyên mua vàng trên ứng dụng của thương hiệu vàng uy tín, như thế sẽ an toàn và không phải trữ trong nhà. Nếu không lấy vàng về, bạn hoàn toàn có thể bán ngay trên ứng dụng.
Với Thanh Thuý, cô mua vàng với mục đích tiết kiệm và thực hiện các mục tiêu của cuộc đời. Do đó, trong thời điểm giá vàng tăng nhanh, cô không cảm thấy tiếc nuối. "Có những thời điểm mình vẫn đầu tư vàng và bất động sản nhưng ở dạng lướt sóng. Nguyên tắc đầu tư của mình là chỉ cần chốt lãi như mong muốn, chứ không phải chốt mức cao nhất", cô tâm sự.
Cả gia đình cùng tích vàng để lo "việc lớn"
Đặng Oanh (29 tuổi, Thanh Hóa) là mẹ của một bé trai 2 tuổi. Hiện nay, với dòng tiền nhàn rỗi không cần dùng đến, vợ chồng cô sẽ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Từ khoản lời này, cặp đôi sẽ tích góp lại để thực hiện ước mơ có căn nhà của riêng mình.
Đặng Oanh (Ảnh: NVCC)
Với vợ chồng Đặng Oanh, mua vàng là thói quen tài chính tốt vì vừa giúp tiền giữ giá mà còn tạo thói quen tích lũy một phần thu nhập hàng tháng. "Nếu giữ tiền mặt thì đôi khi mình sẽ nghĩ cách xé nhỏ khoản tiền đó để chi tiêu. Tuy nhiên, nếu mua vàng thì mình sẽ không thể bán đi để đổi lấy tiền mặt ngay, hay dành tiền nhàn rỗi để tiêu dùng lặt vặt được", cô nàng chia sẻ.
Đáng chú ý, không chỉ bố mẹ mà con trai của Đặng Oanh cũng có… thói quen tích trữ vàng bằng lì xì. Được biết, hàng năm tiền lì xì của bé dao động từ 3-4 triệu đồng sẽ được bố mẹ cất lại để mua vàng 9999, hoặc gửi tiết kiệm.
"Mình đổi lì xì ra vàng vừa để giữ tiền cho con, vừa coi đó là khoản tiết kiệm. Nếu cần thì mình có thể bán vàng để đi lo việc lớn", Đặng Oanh cho biết.
Mua vàng bằng tiền lì xì từ nhỏ, lúc lớn nhận lại 18 chỉ vàng mua đất
Phương Minh (22 tuổi, Vĩnh Phúc) tâm sự, từ khi còn nhỏ, năm nào bố mẹ cũng đều đặn mang về cho con gái 1 chỉ vàng, được mua từ tiền lì xì của con. "Bố bảo là nếu không đủ tiền thì bố cũng cố bù thêm cho đủ 1 chỉ. Mình cũng không biết bố mua vàng gì, chỉ thấy năm nào cũng có một cái nhẫn vàng đựng trong hộp bé bé", cô nàng nhớ lại.
Phương Minh (Ảnh: NVCC)
Bố mẹ Phương Minh dùng số vàng này đánh thành kiềng và nhẫn. Hiện, vợ chồng Phương Minh vẫn còn giữ chúng và chưa muốn động đến. Tuy nhiên sắp tới khi cần tiền mua đất, họ dự tính bán đi để có thêm một khoản. Giữa thời điểm giá vàng tăng cao như hiện nay, món quà này càng khiến Phương Minh ngưỡng mộ với sự “tính xa” của bố mẹ.
Noi gương cha mẹ, từ Tết năm nay Phương Minh đã dùng tiền lì xì của con trai 4 tháng tuổi để mua vàng tích lũy giúp con. Không chỉ thế, hàng tháng vợ chồng cô còn đều đặn trích từ thu nhập để mua 1 chỉ vàng. Họ chọn mua vàng 9999 vì vừa phù hợp với tài chính mà còn có tính thanh khoản tốt.
Tương tự gia đình Đặng Oanh, vợ chồng Phương Minh cũng cho rằng, thói quen mua vàng không chỉ giúp họ có khoản sinh lời hàng tháng, mà còn là cách quản lý tài chính hiệu quả.
“Thực tế, như chúng mình còn trẻ rất khó giữ tiền trong người, có là tiêu ngay. Do đó, chúng mình chọn mua vàng để cất giữ được tiền, khi cần thì bán đi. Như mình có chục triệu đồng trong túi là tặc lưỡi mua cái này, cái kia rồi nghĩ hôm sau sẽ bù vào. Nhưng khi tích vàng rồi thì làm gì có ai bán vàng để đi mua quần áo mới đâu?”, cô nàng bày tỏ.