Trong những năm tháng trưởng thành của trẻ, làm sai hay không nghe lời đều là những điều không thể tránh khỏi. Không những vậy, việc mắc lỗi này còn xảy ra vô cùng thường xuyên, gắn liền với quá trình trẻ lớn lên và khám phá thế giới. Khi đó, có nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí là bực tức mà quát mắng hay đánh trẻ để dạy dỗ, răn đe. Tuy nhiên, họ không biết rằng vẫn có cách giáo dục trẻ hiệu quả hơn đòn roi hay những từ ngữ nặng nề. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:
Bà Lưu ở Trung Quốc có một cháu trai 5 tuổi tiên là Tiểu Phong. Cậu bé này lúc nào cũng rất nhiều năng lượng nên thường hiếu động và nghịch ngợm hơn những đứa trẻ khác. Trong một lần siêu thị mới khai trương ở gần nhà đang có nhiều khuyến mãi, bà Lưu đã dẫn Tiểu Phong đi mua sắm cùng.
Khi đến nơi, trước một không gian rộng lớn với nhiều thứ mới lạ, Tiểu Phong không giấu nổi sự thích thú mà dằng khỏi tay bà và chạy khắp siêu thị để khám phá các gian hàng. Biết cháu trai nghịch ngợm nên bà Lưu không quên nhắc cháu phải đi đứng cẩn thận, không được quậy phá. Tuy nhiên chuyện gì đến cũng đến.
Vì mải mê với những món đồ chơi trên tay, Tiểu Phong không may va trúng một hộp trứng ở trên kệ, khiến trứng ở trong rơi ra và vỡ tan tành. Khi bà Lưu chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy nhân viên siêu thị đã đứng bên cạnh liên tục dùng những lời lẽ khó nghe để trách móc cháu mình. Không những thế, nữ nhân viên này còn tức tối la lối và yêu cầu người nhà phải bồi thường số tiền gấp 10 lần.
Thấy vậy, bà Lưu tỏ ra bối rối, quay sang bảo Tiểu Phong xin lỗi nhân viên siêu thị rồi bình tĩnh nói: “Siêu thị vừa mới khai trương, cháu trai tôi cũng vì phấn khích quá nên mới vô tình làm hỏng chỗ trứng này. Cháu nó làm sai, tôi cũng rất áy náy nhưng ai mà không có lúc mắc phải sai lầm. Tôi sẽ thu dọn chỗ trứng hỏng vương vãi trên sàn và bồi thường theo đúng với giá trị thực của hàng hóa. Còn nếu siêu thị vẫn muốn chúng tôi bồi thường số tiền gấp 10 lần, tôi có thể tìm gặp quản lý của siêu thị để giải quyết không?"
Nghe tới đây, nhân viên siêu thị hoàn toàn bị thuyết phục và chấp nhận đề nghị bồi thường theo giá gốc của bà Lưu. Vụ việc cuối cùng cũng được giải quyết một cách êm đẹp. Những người chứng kiến vụ việc cũng dành lời khen cho cách hành xử đúng mực của bà Lưu. Họ cho rằng bà cụ đã rất bình tĩnh khi xử lý sự việc và không phải ai khi gặp trường hợp tương tự cũng có thể giải quyết vấn đề một cách “thấu tình đạt lý” như thế.
Trong tình huống trên, bà Lưu không quát mắng hay mù quáng bảo vệ cháu mình bất chấp đúng sai trước mặt mọi người mà vẫn dạy cho trẻ một bài học nhớ đời. Đây là cách giáo dục khéo léo mà nhiều bậc phụ huynh nên học hỏi.
Theo đó, khi trẻ mắc lỗi sai thì việc đánh mắng, hay bất chấp bênh vực trẻ đều là phương pháp sai lầm, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức đúng sai của trẻ. Điều bà Lưu làm là dùng lời nói và hành động của mình để trẻ nhận ra sai lầm và sửa sai, đồng thời truyền tải tầm quan trọng của trách nhiệm và lòng nhân ái.
Bà cụ cho cháu trai thấy rằng khi gặp lỗi lầm, không nên chạy trốn hay đổ lỗi mà phải dũng cảm thừa nhận và sửa chữa. Không những thế, từ đây, trẻ còn học cách thấu hiểu, bao dung, suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác, từ đó định hình được thế giới quan đúng đắn cho trẻ phát triển, trở thành một người có trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.
Bên cạnh vấn đề giáo dục trẻ như thế nào khi phạm sai lầm, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý dạy con nhận thức và tuân thủ các quy tắc ở nơi công cộng trước khi ra ngoài để tránh rơi vào tình huống oái oăm kể trên. Việc trẻ phạm lỗi, gây sự khi ra ngoài không phải là hiếm nên việc này sẽ giúp cha mẹ tránh được những phiền phức không đáng có.
(Theo Sohu)