Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước sáng nay công bố ở mức 23.201 đồng, tăng 3 đồng so với hôm qua. Với biên độ 3%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng 22.505 - 23.897 đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND biến động nhẹ. Giá đôla Mỹ tại Vietcombank đi ngang so với hôm qua, mua vào 23.220 đồng và bán ra 23.530 đồng. Trong khi đó, giá USD tại Eximbank tăng nhẹ lên 23.270 - 23.490 đồng, Techcombank là 23.249 - 23.534 đồng. Còn Sacombank giữ nguyên chiều mua 23.271 đồng nhưng bán ra tăng mạnh 100 đồng, lên 23.826 đồng.
Đồng USD ngày càng đắt đỏ so với các loại tiền tệ khác do nỗi lo lạm phát, năng lượng và kinh tế Trung Quốc khiến nhà đầu tư mua vào để trú ẩn. Chỉ số USD Index đã tăng 17% trong vòng một năm nay và đang ở vùng giá cao nhất 20 năm.
Trong khi nhiều tiền tệ của các quốc gia phát triển mất giá ít nhất chục phần trăm từ đầu năm nay, tỷ giá USD/VND tăng hơn 2%. Ngân hàng Nhà nước gần đây có nhiều động thái như rút bớt tiền đồng về và bơm USD ra thị trường để giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo ước tính của Công ty chứng khoán Rồng Việt, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 12- 13 tỷ USD từ đầu năm - tương đương 11% quỹ dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1. Lãnh đạo Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cách đây một tháng cũng khẳng định sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn.
Bloomberg cũng cho biết các ngân hàng trung ương châu Á đã phải chi hàng tỷ USD để kìm hãm đồng nội tệ mất giá. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan ở mức thấp nhất 2 năm, Indonesia giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc và Ấn Độ chạm đáy hơn 1 năm.
Trái với diễn biến của đồng đôla, EUR liên tục chịu sức ép khi lần đầu tiên ngang giá USD kể từ 2022 do kinh tế EU chịu tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine. Euro đã mất giá mạnh kể từ đầu tháng 2 và đà giảm tăng tốc vài tuần gần đây do lo ngại Nga – nguồn cung cấp năng lượng chính cho châu Âu – sẽ cắt hoàn toàn khí đốt đến khu vực này để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đến nay, 12 quốc gia trong EU đã bị Nga cắt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Đồng EUR tại Việt Nam cũng liên tục mất giá và lần đầu tiên về sát vùng 24.000 đồng kể từ 2017. Mỗi EUR tại Vietcombank chỉ đổi được 22.843 chiều mua vào và 24.123 đồng chiều bán ra, giảm hơn 9% so với đầu năm nay.