Tài chính

Cổ phiếu tài chính, ngân hàng "dậy sóng"

Phiên giao dịch ngày 14/7, thị trường chứng khoán thăng hoa sau thông tin nhà đầu tư sẽ được mua bán cổ phiếu T+2 kể từ cuối tháng 8, sớm hơn 1 ngày so với quy định hiện hành. Hàng loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán (10 mã) tăng kịch trần, các mã còn lại đồng loạt phủ sắc xanh với mức tăng phổ biến 3-5%.

Nhóm ngân hàng hôm nay cũng diễn biến tích cực khi trong số 27 mã giao dịch trên 3 sàn thì chỉ có 5 mã đóng cửa ở vùng giá đỏ, song mức giảm rất nhẹ chỉ từ 0,3 – 0,7%, có 5 mã về tham chiếu còn lại là tăng. Đáng chú ý, thanh khoản của dòng "bank" được cải thiện phiên thứ 3 liên tiếp, với nhiều mã được giao dịch với khối lượng trên 10 triệu đơn vị.

Dẫn đầu đà tăng là nhóm giao dịch trên UPCoM khi trong top 5 tăng tốt nhất thì có tới 4 mã của sàn này, chỉ CTG của VietinBank là đến từ sàn HSX. CTG đóng cửa tại 27.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,7% và được khối ngoại mua ròng gần 1 triệu đơn vị.

STB của Sacombank và VPB của VPBank là những mã tăng tốt tiếp theo với khối lượng giao dịch lớn, cả hai cùng tăng 1,1%. Trong đó STB không chỉ ghi nhận thanh khoản cao nhất dòng ngân hàng ở cả 3 sàn với gần 12,9 triệu đơn vị được khớp lệnh mà còn được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 1,2 triệu cổ phiếu còn giá thì tăng phiên thứ 3 liên tiếp. VPB trong phiên có nhiều thời điểm vượt qua mốc 28.000 đồng nhưng sau đó lại giảm, song cuối phiên có lực tốt nên đóng cửa tại mức giá gần như cao nhất trong ngày, ở 28.050 đồng. Thanh khoản mã này đạt gần 10 triệu đơn vị, nằm trong top 3 sau STB và SHB.

VPB hôm nay nhận tin tốt từ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s khi họ giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng tích cực cho nhà băng này – tương đương mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Đáng chú ý, trong số 21 ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng, VPBank là một trong hai ngân hàng có mức đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) bị giới hạn bởi trần xếp hạng quốc gia Việt Nam (Ba3).

SHB ngày hôm qua tăng kịch trần thì hôm nay lại điều chỉnh và đóng cửa giảm nhẹ 0,3%. Thanh khoản ghi nhận hơn 11,6 triệu đơn vị. Thông tin tích cực tới các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu SHB là ngân hàng vừa có ước tính sơ bộ lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng này, SHB chắc chắn lọt vào nhóm những ngân hàng có lợi nhuận tăng tốt nhất nửa đầu năm 2022 – trong bối cảnh thị trường chung được dự đoán không mấy sáng sủa trong bối cảnh cạn kiệt room tín dụng ở quý 2.

Ở nhóm các cổ phiếu giữ giá tham chiếu, OCB và HDB đều nỗ lực khi đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên. OCB hôm nay chịu áp lực điều chỉnh vì một số nhà đầu tư chốt lời sau khi đã có 3 phiên tăng mạnh liên tiếp. Với mức 17.750 đồng/cổ phiếu đóng cửa ngày 14/7, OCB đang ở vùng giá cao nhất 1 tháng trở lại đây.

HDB của HDBank trong khi đó cũng giao dịch tích cực với thanh khoản cao nhất trong 6 phiên giao dịch gần nhất. Trước phiên hôm nay, HDB đã có 2 phiên tăng liên tiếp. Trong báo cáo mới công bố, các nhà phân tích của chứng khoán SSI cho biết, tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDB ở mức khá cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm, nhờ đó HDB đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng quý 2/2022 được nhóm phân tích ước tính đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng. Nếu ước tính này chính xác thì lợi nhuận quý 2 của HDB cao hơn so với quý 1 và cả 6 tháng sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, cũng là một trong số những ngân hàng có tăng trưởng tích cực.

Ngoài giao dịch trên sàn tích cực, một số cổ phiếu ngân hàng còn ghi nhận lượng thỏa thuận với giá tốt như MBB của MB, CTG của VietinBank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, VCB của Vietcombank hay MSB của Ngân hàng Hàng Hải. Trong đó MBB, CTG và MSB đều xuất hiện các lệnh thỏa thuận giá trần.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm