COVID-19, xung đột Nga – Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ là rào cản với tăng trưởng kinh tế
Ngày 14/7, Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức hội thảo công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hậu bình thường mới của xung đột Nga - Ukraine, theo đó nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5 - 7% năm nay trong kịch bản lạc quan.
Ở kịch bản kém lạc quan hơn, kinh tế có thể đạt mức tăng 6-6%.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận định vẫn tồn tại yếu tố quan trọng đe dọa kịch bản lạc quan gồm dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh tay của các nước.
"Dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, các biến thể mới vẫn xuất hiện với khả năng lây lan và nguy hiểm khó lường. Nền kinh tế vẫn phải trong tình trạng phòng ngừa dịch bệnh và vì vậy đám mây tâm lý e ngại vẫn có những bao phủ nhất định trong các quyết định đầu tư và tiêu dùng", các chuyên gia tại đây cho biết.
Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine vẫn tiềm tàng những ảnh hưởng ngoài dự đoán đối với thị trường toàn cầu.
Rủi ro thứ ba là các NHTW tại nhiều nước đã thắt chặt tiền tệ mạnh tay khi áp lực lạm phát tăng cao. Đây cũng là rào cản cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm bởi ảnh hưởng đến cầu xuất khẩu của Việt Nam.
Mới đây, rủi ro này cũng được các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect đề cập đến.
"Chúng tôi nhận thấy rằng xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến giảm nhu cầu hàng xuất khẩu từ Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2022", chuyên gia của VNDirect cho hay.
Các tổ chức nghiên cứu lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5-0,9 điểm phần trăm cho năm 2022 do hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo trong khoảng 2,9-3,6% vào năm 2022, giảm từ mức 5,7% svck trong năm 2021.
Trrong khi đó, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ và khu vực đồng Euro vào năm 2022 xuống 2,5% trong báo cáo mới nhất.
Tiêu dùng, đầu tư và dịch vụ sẽ là động lực cho 6 tháng cuối năm
Nhóm nghiên cứu Đại học Ngân hàng TP HCM còn đưa ra nhận định các động lực chính cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm ở phía cầu là tiêu dùng và đầu tư.
"Tâm lý lạc quan tiếp tục dẫn dắt nhu cầu tiêu dùng đã kìm nén suốt 2 năm đại dịch. Sự tích cực trong giải ngân FDI và nguồn vốn khu vực công thông qua các chương trình hỗ trợ từ gói kích thích của Chính phủ triển khai trong nửa cuối năm 2022 sẽ thêm động lực lan tỏa đến toàn nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng", báo cáo nêu.
Ngoài ra, ở phía cung, khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ không chỉ nhờ du lịch trong nước mà còn du lịch quốc tế khi các hoạt động này dần mở cửa rộng hơn. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng. Công nghiệp khai cũng có thể được đẩy mạnh hơn để hưởng lợi về giá trong giai đoạn này.
Về lạm phát, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm dự báo hiện hữu hơn so với 6 tháng đầu năm đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, diễn biến giá ở mức cao và mang tính khó lường của nguyên nhiên liệu thế giới.
Thứ hai, tình trạng lạm phát tại nhiều nền kinh tế sẽ làm gia tăng giá nhập khẩu nhiều mặt hàng, góp phần làm tăng mức giá chung do tăng giá sản xuất đối với những mặt hàng sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và tăng giá tiêu dùng đối với những hàng tiêu dùng phải nhập từ nước ngoài.
Ngoài ra, tổng cầu nội địa đang tăng nhanh trở lại cũng là yếu tố nguy hiểm hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những áp lực lạm phát nói trên.
Mặc dù chịu nhiều áp lực nói trên, nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan cho rằng nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, tăng trưởng toàn cầu hạ nhiệt sẽ phần nào giảm nhẹ áp lực tăng giá tại nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Đồng thời, giá nhiều mặt hàng quan trọng đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với giai đoạn 6 tháng trước đó, trong đó quan trọng là giá cước vận tải biển sẽ góp phần làm giảm chi phí nhập khẩu hàng hoá tại nhiều nền kinh tế.
Đáng chú ý, Trung Quốc nới lỏng việc giãn cách xã hội, đưa nền kinh tế của họ quay trở lại với hoạt động kinh tế bình thường, góp phần tháo gỡ thế bế tắc đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan đến quốc gia này.
Bên cạnh đó, việc gia tăng sản lượng dầu tại Mỹ và các nước xuất khẩu dầu và hiệu quả kiểm soát lạm phát của các NHTW sẽ được thể hiện rõ nét trong 6 tháng cuối năm cũng là những yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát của Việt Nam.