Kinh doanh

Giá điện sinh hoạt bậc cao nhất tăng lên 3.460 đồng/kWh

Tóm tắt:
  • Giá điện sinh hoạt tăng từ 1.984 đến 3.460 đồng/kWh theo 6 bậc, áp dụng từ ngày 10/5.
  • Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%, từ gần 2.103 đồng/kWh lên 2.204 đồng/kWh (chưa VAT).
  • Các hộ dùng từ dưới 50 kWh đến trên 400 kWh có mức tăng tiền điện từ khoảng 4.550 đồng đến 65.050 đồng/tháng.
  • Chỉ số giá tiêu dùng năm 2025 dự kiến tăng khoảng 0,09% do điều chỉnh giá điện.
  • Hộ nghèo và chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện tương đương 30 kWh/tháng, mức hỗ trợ khoảng 59.520 đồng/tháng.

Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, từ gần 2.103,12 đồng/kWh lên gần 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Theo quyết định quy định về giá bán điện của Bộ Công Thương ngày 9/5, giá bán lẻ điện sinh hoạt có 6 bậc, gồm:

Bậc 1: Cho kWh từ 0-50 có giá 1.984 đồng/kWh.

Bậc 2: Cho kWh từ 51-100 có giá 2.050 đồng/kWh.

Bậc 3: Cho kWh từ 101-200 có giá 2.380 đồng/kWh.

Bậc 4: Cho kWh từ 201-300 có giá 2.998 đồng/kWh.

Bậc 5: Cho kWh từ 301-400 có giá 3.350 đồng/kWh.

Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên có giá 3.460 đồng/kWh.

Sau khi giá điện được điều chỉnh tăng hơn 100 đồng/kWh, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các hộ sử dụng dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), số tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201-300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301-400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.

dien luc binh duong hoang giam 21 94177.jpg
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng từ ngày 10/5. Ảnh: Hoàng Giám

Trao đổi chiều 9/5 về mức giá mới này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho rằng "đây là mức tăng vừa phải" sau khi đã tính toán tất cả các yếu tố tác động.

Dẫn số liệu đánh giá của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, lãnh đạo EVN cho hay việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 tăng khoảng 0,09%.

Mức tăng này, theo ông Lâm, đã cân nhắc trên cơ sở chi phí đầu vào, chi phí biến động và sự chi trả của người dân và doanh nghiệp để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. 

Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách (áp dụng theo Quyết định 2699 ngày 11/10/2024 của Bộ Công Thương) là 56.790 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). 

Nếu áp dụng theo giá mới (theo Quyết định 1279 ngày 9/5/2025) thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 59.520 đồng/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). 

Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. 

Theo số liệu thống kê, năm 2024 cả nước có 599.608 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Các tin khác

Những nút thắt cần Hải Phòng tháo gỡ

Để tiếp tục tăng trưởng hai con số, Hải Phòng cần đồng bộ hạ tầng giao thông, phát triển nhân lực chất lượng cao và đổi mới tư duy làm du lịch.

Phá "bức tường băng" với kinh tế tư nhân

Các bộ, ngành không được tự đặt thêm điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp - chủ trương trong Nghị quyết 68 được ví như một bức tường được phá băng, tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển.

Cà Mau: Quá trình sắp xếp, không để công việc gián đoạn

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau bày tỏ lo ngại cán bộ huyện khi về xã làm việc trực tiếp có thể lúng túng vì đã quen với vai trò trung gian; đồng thời yêu cầu, trong quá trình sắp xếp không được để gián đoạn công việc...

63.821/81.085 căn hộ đã được cấp sổ hồng

Thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM) đã có 63.821/81.085 căn hộ được cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà (sổ hồng) tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM.

"Làm việc ngày đêm" thể chế hoá nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thông tin, hai tháng vừa qua, đội ngũ gần như làm việc không nghỉ, ngày đêm triển khai các nội dung lớn để thể chế hoá Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.