Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá dầu thô thế giới đã quay đầu tăng dựng đứng trở lại. Kết thúc phiên 17/3, giá dầu Brent tăng 8,62 USD, tương đương 8,79%, lên 106,64 USD/thùng, mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Giá dầu WTI cũng tăng 7,94 USD, tương đương 8,35% lên 102,98 USD/thùng.
Giá dầu Brent hồi phục sau những phiên giảm sâu
Hiệu ứng từ giá dầu gần như ngay lập tức kích thích dòng tiền đầu cơ trở lại nhóm Dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắc xanh phủ rộng trên hầu hết cổ phiếu trong đó GAS, BSR, PVD, PVS, PVB, PVC, PXS, PGD.... đều tăng trên dưới 3% ngay trong phiên sáng 18/3.
Cổ phiếu Dầu khí tăng mạnh phiến sáng 18/3
Cần phải lưu ý rằng, nhóm Dầu khí vừa trải qua một nhịp điều chỉnh khá sâu cùng giá dầu thế giới. Phần lớn các cổ phiếu nhóm này đều đã chiết khấu khoảng gần 15% từ đỉnh do liên tục bị chốt lời mạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư nhảy vào bắt đáy khi giá dầu đảo chiều.
Gần nhất, Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 20 USD trong quý 3 lên 120 USD/thùng với dự đoán sản lượng của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4. Giá dầu cao có thể tác động tích cực đến diễn biến các cổ phiếu Dầu khí tuy nhiên nhà đầu tư nên cẩn trọng trước các quyết định mua đuổi bởi tính khó lường của loại hàng hóa cơ bản này.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành Dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ "nhạy" của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao.
Theo SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá khí ở mức cao), cũng như PLX, OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Đối với các công ty dầu khí thượng nguồn (upstream) như PVD và PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Đối với điện khí, giá khí tăng có thể chuyển ngang 1 phần vào sản lượng hợp đồng PPA nhưng sẽ làm các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Trong khi đó, Chứng khoán BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2022 toàn thế giới sẽ được cải thiện trong khi nguồn cung dầu thắt chặt do nhóm OPEC chưa có kế hoạch tăng sản lượng trong giai đoạn đầu năm và hoạt động khai thác dầu của Mỹ phục hồi chậm, bên cạnh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng Nga - Ukraine.
Ngoài ra, một số dự án dầu khí đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực hơn, và kỳ vọng sớm được khởi công trong tương lai gần. Trong đó dự án Ô Môn (tổng đầu tư 6,7 tỷ USD) sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.