Tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do Tạp chí VietnamFinance tổ chức ngày 12/4, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khẳng định, thị trường bất động sản Việt Nam “ khủng hoảng phân khúc ” là việc rất bất thường.
Ông Nghĩa đánh giá: "Không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ”.
Ông Nghĩa nhắc lại cảnh báo về thị trường bất động sản Việt Nam khi “một mình phân khúc chung cư có bong bóng”, do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm.
"Luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục các vấn đề tồn tại trong thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng cần được truyền thông đúng đắn và mạnh mẽ về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh đó một mặt cũng phải nói về rủi ro. Thêm vào đó, cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, làm phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo để khắc phục hậu quả", ông Nghĩa đánh giá.
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, khi các luật được đồng bộ với nhau, các dự án sẽ được tiến hành nhanh hơn và bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ liên quan cũng giảm đi, các quyết định cho thuê đất, giao đất sẽ sớm hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều nguồn cung hơn.
"Khi nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn, những méo mó đang tồn đọng của thị trường bất động sản hiện nay cũng sẽ giảm bớt”, ông Đỉnh nói và cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù và đòi hỏi rất là lớn về năng lực tài chính, hiểu biết pháp lý… Đây sẽ là cơ chế giúp thanh lọc thị trường và sàng lọc thị trường bất động sản rất nhanh, giúp thị trường trở nên đồng bộ hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới khẳng định, đất đai là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. “Luật Đất đai các thời kỳ trước đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ở các quốc gia. Theo thời gian, Luật Đất đai cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế, cản trở quá trình xây dựng các dự án mới”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo ông Đính, nền kinh tế bị chững lại khi những dự án bị ách tắc. Chính phủ đã động thái tháo gỡ cho các dự án. Với Luật Đất đai mới được ban hành, ông Đính kỳ vọng luật sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ các dự án đang được vướng mắc.
“Luật Đất đai có thể được thực hiện từ ngày 1/7. Trước mắt, quan trọng nhất trong việc thực thi và thể chế Luật Đất đai là tháo gỡ hàng nghìn dự án đang bị mắc kẹt. Để làm được điều này, các văn bản dưới Luật cần được xây dựng cẩn thận, cụ thể và lấy ý kiến toàn thể người dân”, ông Đính nói.