-
Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề phi lý tồn tại hiện nay là "lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới"Tại: Hạ lãi suất, gỡ khó cho doanh nghiệp
-
Thực trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau đang diễn ra rất "ghê gớm""Khó xoay nguồn tiền, có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là giải pháp tình thế"
Tại toạ đàm "Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi", TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nêu ra tình trạng phân khúc chung cư vẫn tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn.
Ông cho rằng, thực trạng trên của thị trường bất động sản Việt Nam là "khủng hoảng phân khúc".
Theo đó, từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên hiện trạng này, và đưa ra 2 phương án để "cứu" phân khúc nhà ở giá rẻ là đẩy qua ngân sách và đẩy qua ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên ông Nghĩa đánh giá đến nay, tiến độ triển khai, giải ngân vốn tín dụng cho nhà ở xã hội "gần như thất bại". Gói 125.000 tỷ đồng đến nay giải ngân với tốc độ rất chậm, chưa đạt 1% sau một năm triển khai. Chuyên gia cho rằng "không thể chỉ dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên" bởi ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh, ưu tiên lợi nhuận.
Vị chuyên gia này đưa ra lời cảnh báo về thị trường bất động sản Việt Nam là "một mình phân khúc chung cư có bong bóng", do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng: "Nếu không cảnh báo từ hiện tại và không sớm thực hiện Luật Đất đai để đưa các phân khúc khác vào thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng sụp đổ, có thể là từ nay tới cuối năm. Điều này sẽ khiến chính sách chiến lược của chính phủ cũng bị ảnh hưởng".
TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá Luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục các vấn đề tồn tại trong thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng cần được truyền thông đúng đắn và mạnh mẽ về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh đó một mặt cũng phải nói về rủi ro.
Thêm vào đó, cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, làm phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo để khắc phục hậu quả.
Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp, theo số liệu của Savills.
Còn CBRE cho biết, giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay và đang dẫn tiệm cận mức giá tại TP.HCM.
Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield chỉ ra, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng trưởng 109% trong gần 10 năm qua. Tốc độ tăng giá trung bình 9% mỗi năm. Sau đà giảm nhiệt vào giai đoạn 2021-2022, giá bán chung cư Hà Nội tăng liên tục từ giữa năm 2022 đến nay.