Giá của tất cả mọi thứ từ hàng tạp hóa, rau củ quả đến những tài sản có giá trị lớn hơn như động sản đã tăng trong 1 hoặc 2 năm qua, nhưng trong những tháng gần đây, tác động đã bắt đầu ảnh hưởng đến mức sống, mức sinh hoạt ở nhiều gia đình.
Điển hình, lạm phát ở Australia đã đạt mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, đạt tỷ lệ hàng năm là 6,1% và có thể vượt qua 7% vào cuối năm. Ở Mỹ hay Việt Nam cũng không mấy khác biệt.
Một vấn đề then chốt là hàng loạt các cuộc khủng hoảng ập đến cùng một lúc - từ sự lan rộng của COVID-19 và tác động của các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội, xa hơn là cuộc chiến ở Ukraine, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn hán và lũ lụt trên toàn cầu.
Điều này đã dẫn đến việc tăng giá trong cửa hàng tạp hóa và siêu thị, chợ dân sinh. Rau củ quả nói chung đã tăng cao đáng kể, nhất là vào thời điểm mà giá nhiên liệu tăng.
Cách duy nhất để đối phó với nhu cầu ngày càng tăng trong khi điều kiện kinh tế có nhiều bất lợi là tìm cách cắt giảm chi phí càng sớm càng tốt. Mặc dù bắt đầu có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế là tất cả chúng ta cần phải cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Tính toán chi phí trung bình trước khi xác định khoản tiền tiết kiệm cần thiết
Theo Forbes, bước đầu tiên để tiết kiệm tiền là hiểu số tiền bạn cần chi tiêu, và hiểu những gì là chi tiêu cần thiết hoặc những gì không cần thiết.
Điều đó có nghĩa là mọi vật dụng, mọi khoản chi trong nhà đều cần được hạch toán, vì vậy hãy lấy bảng thống kê chi tiêu của bạn trong vài tháng qua, xây dựng một bảng tính đơn giản. Dữ liệu này sẽ giúp bạn sắp xếp các con số của mình theo danh mục và có cái nhìn đầy đủ với số tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng thắng. Hãy bao gồm tất cả mọi thứ, từ thực phẩm hàng ngày tới các khoản chi phí hàng năm (chia đều cho mỗi tháng như phí bảo hiểm, bảo dưỡng xe,…) – cuối cùng bạn sẽ thấy rõ dòng tiền của mình đi đâu.
Tiếp theo, hãy xác định những khoản bạn có thể cắt bỏ và những khoản bạn có thể giảm bớt chi tiêu. Xác định những điều không cần thiết, chẳng hạn như đi ăn ngoài nhà hàng, đăng ký dịch vụ mà không sử dụng và nếu cần thiết, các chi phí giải trí cũng nên bị hạn chế. Nhìn chung, đối mặt với những con số và nắm quyền kiểm soát tài chính theo cách này lúc đầu có thể khó khăn nhưng cuối cùng bạn và gia đình có thể tiết kiệm được rất nhiều.
Tiến hành kiểm toán tài chính
Nếu bạn có nhiều khoản nợ, việc gộp các khoản nợ này vào một khoản thanh toán hàng tháng có thể làlựa chọn tốt nhất cho bạn. Điều này liên quan đến việc chuyển các khoản nợ thành một khoản vay để bạn có thể hoàn trả một lần.
Tiếp theo, hãy xem những gì bạn đang thanh toán trong phí ngân hàng và phí thẻ tín dụng, có thể khác nhau đáng kể giữa các nhà cung cấp, vì vậy hãy xem sao kê tài khoản ngân hàng và thực sự hiểu ngân hàng của bạn đang tính phí gì cho bạn. Đôi khi các khoản phí ngân hàng tưởng chừng không đáng kể nhưng lại đang khiến bạn lãng phí, giảm được các khoản này có thể tiết kiệm hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, hãy gọi cho ngân hàng của bạn và đề nghị được xem xét giảm các khoản vay lớn như vay mua nhà chẳng hạn. Hãy bắt đầu bằng cách so sánh những gì bạn đang trả với những ngân hàng cho vay khác để bạn có sẵn thông tin để yêu cầu một thỏa thuận tốt hơn. Nhiều ngân hàng có chính sách tái cấp vốn, đáo hạn rất cạnh tranh, hãy hỏi nếu bạn chưa biết.
Tất nhiên, đảm bảo rằng bạn thanh toán hết thẻ tín dụng vì đây là cách tốt nhất để tránh bị tính lãi suất. Ngoài ra, hãy mua hợp đồng bảo hiểm có lợi nhất cho mình. Việc tiết kiệm có thể sẽ khó khăn trong thời điểm nền kinh tế lạm phát và giá cả tăng cao, tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm nhiều điều đơn giản, ít nhất là nếu không tăng được thu nhập trong thời gian ngắn thì hãy tiết kiệm từ những gì nhỏ nhất.