Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, cùng những chỉ số tài chính ấn tượng, dù mới thành lập đầu năm 2021, Nerman đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả Shark Bình và Shark Phú. Kết quả cả 2 Shark đồng ý rót vốn cho startup 1 triệu USD, gấp đôi số tiền mà họ đề nghị khi tham gia chương trình.
Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ trò chuyện với các nhà sáng lập Nerman, CEO Đặng Thanh Định và COO Nguyễn Nhật Bản, để hiểu hơn về hành trình của startup non trẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Xin chào các sáng lập Nerman. Cảm xúc của các bạn thế nào khi được cả Shark Bình lẫn Shark Phú cùng đồng ý xuống tiền?
Chúng tôi thấy vui khi được cả 2 Shark cùng đồng hành. Với Nerman, tiền cũng khá quan trọng nhưng sự tham gia của 2 Shark mới là lợi thế lớn hơn nhiều. Shark Bình có kinh nghiệm trong mảng e-commerce (thương mại điện tử) cũng như sở hữu hệ sinh thái giúp Nerman có cơ hội vươn ra nước ngoài. Còn Shark Phú đã nổi tiếng trong ngành bán lẻ với nhiều thương hiệu gia dụng tại Việt Nam. Sự trợ giúp của các Shark có thể giúp Nerman đạt được các kỳ vọng lớn đã đặt ra.
Bạn đánh giá thế nào về con số 1 triệu USD mà hai Shark đề nghị đầu tư, gấp đôi số vốn Nerman mong muốn? Nerman dự định sẽ sử dụng số vốn đó ra sao?
Chúng tôi hơi bất ngờ chút vì vòng này dự định gọi 1 triệu USD, và trước đó đã có cam kết từ nhà đầu tư khác rót 500.000 USD rồi. Vì vậy, lên Shark Tank Nerman cũng không có ý định gọi 1 triệu USD, chỉ 500.000 USD thôi. Nhưng 500.000 USD mà chỉ một Shark tham gia thì không đủ tốt. Vậy nên tôi chấp nhận 1 triệu USD để có cả 2 Shark.
Với số tiền từ nguồn vốn gọi được, chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng 80% làm truyền thông, và 20% phát triển thị trường mới.
Nhiều startup thường nhận "bão đơn" sau khi lên sóng Shark Tank, với Nerman thì sao?
Nerman đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để đón bão. Dựa vào kinh nghiệm của các startup đi trước, chúng tôi đã lên kế hoạch sắp xếp hàng hóa, nhân sự, kế hoạch truyền thông,… trước cả tháng nên không có gì khó khăn cả.
Được biết chương trình ghi hình khá lâu rồi mới phát sóng, vậy Nerman và các Shark đã bước vào quá trình thẩm định (Due Diligence-DD) chưa?
Chúng tôi đã quay xong cả tháng nay rồi, quay xong thì 6h chiều Shark Bình ‘áp’ startup vào DD luôn. Chúng tôi DD với Shark Bình trước vì Shark Bình dẫn dắt vòng này. Nhưng việc DD đang tạm dừng vì chúng tôi bận tập trung cho việc startup lên sóng.
Trên thực tế, số liệu Nerman rất chỉn chu vì chúng tôi tự xây dựng hệ thống, trong đó bộ phận nào cũng phải quản lý số liệu của bộ phận ấy. Chúng tôi quan điểm: "Quản lý không nắm được số thì đừng làm quản lý". Vậy nên số liệu đều có sẵn, chỉ chưa có người trình bày lại theo đúng yêu cầu của Shark Bình. Cả nhóm có mười mấy người đang tập trung vào truyền thông và chuẩn bị hàng hóa hậu Shark Tank, xong đợt này chúng tôi mới ngồi lại với các Shark và các bên.
Từ đâu Nerman có ý tưởng xây dựng startup bán mỹ phẩm cho nam?
Chúng tôi luôn hướng đến các thị trường xanh và đơn giản đây cũng là nhu cầu của chính chúng tôi. Bạn có thể thấy với nam giới thu nhập tốt, cỡ 20 triệu đồng/tháng trở lên, muốn chăm sóc bản thân thì gần không thể nhắc tới thương hiệu nào tại Việt Nam, ngoài những cái tên FMCG quen thuộc như Xmen hay Romano. Thị trường còn quá rộng để làm.
Các sản phẩm mới của Nerman như son, BB cream hay kem chống nắng được Gen Z dùng nhiều và bán rất tốt. Chúng tôi chưa thấy Việt Nam có sản phẩm như thế, nên đây cũng là lý do Nerman phát triển thị trường ngách là mỹ phẩm dành cho nam giới.
Nhiều startup sợ lên Shark Tank sẽ bị sao chép ý tưởng, Nerman thì sao?
Trong quan điểm của chúng tôi, ý tưởng không có giá trị nhiều. Quan trọng là bạn phát triển và vận hành ý tưởng thế nào. Việc sao chép chúng tôi cũng không sợ, vì càng nhiều người chơi thì thị trường càng dễ mở rộng, và người số 1 sẽ là người chiến thắng cuối cùng.
Chúng tôi hiện là người đi đầu và cũng đã có nhiều kinh nghiệm, đây chính là lợi thế của Nerman.
Được biết, ngoài Shark Phú và Shark Bình, trước đó Nerman cũng nhận đầu tư từ một nhà đầu tư khác dù mới thành lập hơn 1 năm. Theo các bạn đâu là điểm hấp dẫn của Nerman?
Tôi nghĩ Nerman là mô hình D2C (Direct to Customers, bán trực tiếp tới tay khách hàng) vừa mới vừa không mới. Mới ở cách chúng tôi đưa nhiều dòng sản phẩm khác ra thị trường, bên cạnh những dòng sản phẩm không mới như sữa tắm, dầu gội. Nhưng D2C là lợi thế lớn với local brand (thương hiệu nội địa) Việt Nam, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ như hiện nay.Trước đây, một thương hiệu mới như Nerman cần nguồn vốn cực kỳ nhiều, phân phối qua các siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… rồi mới đến tay khách hàng. Còn nay gần như không cần nữa. Không cần đại lý hay cộng tác viên mà vẫn bán được toàn quốc, từ đó tối ưu chi phí, lợi nhuận để đưa sản phẩm tới tay khách hàng.
Ngoài ra, thế hệ Gen Z hiện nay rất cởi mở trong việc tiếp cận cái mới, họ không nhất thiết phải dùng đồ hiệu, hàng ngoại mà sẵn sàng dùng local brand nhiều hơn, miễn sản phẩm đủ chất lượng.
Hãy nhìn sang Trung Quốc, khoảng 5 năm trước, khi thị trường online phát triển mạnh, các local brand của họ cũng đi lên theo. Nhiều thương hiệu đã mở rộng và có chỗ đứng tại Việt Nam, ví như hãng mỹ phẩm cho nữ Perfect Diary. Trung Quốc có văn hóa khá giống Việt Nam, giới trẻ sẵn sàng dùng đồ nội địa miễn sản phẩm đủ tốt. Vậy nên khi các bạn làm tốt, các quỹ đầu tư sẽ tự động tìm đến.
Nhưng nếu Nerman bán chủ yếu trên sàn thương mại điện tử, các bạn sẽ bị cạnh tranh lớn về giá?
Ngay từ đầu Nerman đã không chơi trò chơi về giá trên Shopee. Khi bạn bán cùng một mặt hàng, sẽ luôn bị cạnh tranh về giá. Đặc biệt nhiều thương hiệu Trung Quốc đã phân phối tại Việt Nam, nếu bán sản phẩm Trung Quốc thì xác định bị các xưởng của họ đè bẹp ngay.
Nerman xây thương hiệu riêng, giá cũng không hề rẻ. Như đề cập trên Shark Tank, giá của Nerman đắt gấp 4 lần bên khác. Bù lại, chúng tôi bán giá trị về thương hiệu, về trải nghiệm cho khách hàng.
Chúng tôi cũng không giảm giá ồ ạ, các chương trình khuyến mại do Shopee tạo ra chúng tôi cũng giảm giá ít, chủ yếu tập trung tăng về trải nghiệm khách hàng.
Có ý kiến cho rằng bán hàng trên sàn thương mại điện tử như xây nhà trên đất của người khác, các bạn nghĩ sao?
Tôi đồng ý. Thật ra bán hàng trên nền tảng của người khác đã là bị động, nhưng có 2 điều chúng ta cần cân nhắc. Một là ở thời điểm hiện tại, khi nền thương mại điện tử Việt Nam phát triển thì việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho thương hiệu trong giai đoạn ban đầu chính là lợi thế. Nhìn sang Trung Quốc, nhiều thương hiệu lớn không có website, họ chỉ bán trên kênh thương mại điện tử và vẫn tạo ra lợi nhuận bình thường.
Thứ hai là trong quan điểm củatôi, các thương hiệu vẫn phải tự xây nền tảng riêng. Như Nerman vẫn có website hay các kênh social khác. Doanh thu của Nerman hiện tại phần lớn đến từ Shopee nhưng không phải chúng tôi chỉ bán trên Shopee. Chúng tôi vẫn có website, có kênh Facebook, Tiktok,… và các kênh này đem về 40-50% doanh thu.
Sau Shark Tank, đã có "cá mập ngoài bể" nào tiếp cận Nerman chưa?
Chương trình lên sóng buổi tối thì sáng hôm sau đã có một bên xin pitch deck(*) bên chúng tôi. Nhưng vòng gọi vốn này chúng tôi đóng rồi. Ở thời điểm hiện tại, Nerman muốn phát triển chắc chắn rồi mới gọi vốn tiếp chứ không muốn vội vã. Nói thật là lúc này chúng tôi còn đang dư gần gấp đôi số vốn muốn gọi, và nhiều nhà đầu tư sẵn sàng ngồi đó. Nhưng Nerman không muốn nhận quá nhiều, vì sẽ pha loãng cổ phần và như tôi nói, chúng tôi muốn đi chắc từng bước.
(*) Pitch Deck: một bản trình bày ngắn gọn, cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn tổng quan về startup.
Để đạt mục tiêu đứng đầu thị trường Việt Nam, trong thời gian tới, Nerman dự định phát triển thế nào?
Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi dự định mở rộng thêm hơn 10 dòng sản phẩm mới. Ngoài ra khoảng tháng 10 năm nay, Nerman có kế hoạch mở flagship store (cửa hàng quy mô lớn) ở Hà Nội và TPHCM. Phong cách các cửa hàng này sẽ là không có người bán, khách tự đến mua và trải nghiệm sản phẩm, thanh toán online qua ví điện tự hoặc thẻ sau đó mang sản phẩm về.
Chúng tôi cũng đang làm với một số siêu thị lớn, đưa Nerman về bên họ nhưng kênh này vẫn hạn chế thôi vì chi phí lớn. Chúng tôi không muốn điều đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Như các bạn chia sẻ, trong 5 năm Nerman đặt mục tiêu không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á. Đây có phải mục tiêu quá tham vọng?
Chúng tôi xác định đã nghĩ thì phải nghĩ lớn, còn làm thì làm từng bước một. Nerman tự tin nếu chiếm được Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, thì đã chiếm được gần 50% thị trường Đông Nam Á rồi. Đó không phải nhiệm vụ bất khả thi, chỉ có điều khá khó. Để làm được, chúng tôi cần đội ngũ và các Shark đi cạnh để chinh phục mục tiêu đó.
Cảm ơn Nerman vì cuộc trò chuyện!