Năm 2014 là cột mốc không thể nào quên với Vũ Thanh Long – Founder kiêm CEO của eDoctor. Đó là thời điểm anh chính thức dấn thân vào lĩnh vực mà tất cả mọi người đều đánh giá là rất khó để làm khởi nghiệp ở Việt Nam: Y tế.
“Đâm lao phải theo lao”, bằng rất nhiều sự kiên nhẫn và luôn tập trung vào lý do mình bắt đầu eDoctor, dù gặp vô vàn rào cản, doanh nhân trẻ tuổi này vẫn tiếp tục dẫn dắt startup của mình đi về phía trước, thay vì bỏ cuộc.
Nếu xét trên bình diện tài chính, eDoctor chưa hẳn đã thành công vì chưa tạo ra nhiều doanh thu và lợi nhuận, nhưng nếu xét về quy mô và tiềm lực mà họ đang có, thì eDoctor là một trong các startup nổi bật nhất trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Mời bạn xem thêm các câu chuyện truyền cảm hứng trong serie Khởi nghiệp 0-1:
#1 Coolmate và CEO Phạm Chí Nhu
#2 Vua Dép Lốp và CEO Nguyễn Tiến Cường
#3 EMDDI và Chủ nhiệm dự án Đào Kiến Quốc
#4 Cricket One và Co-Founder Bicky Nguyen
#5 T.U.N.G. dining và bếp trưởng Hoàng Tùng
#6 Leflair và CEO Loïc Gautier
eDoctor không phải là dự án khởi nghiệp đầu tiên của Vũ Thanh Long. Trước đó, anh Long từng tham gia xây dựng một công ty chuyên về mạng xã hội (được một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam mời cả team vào làm) và sau đó tách ra làm một công ty game online.
“Sự ra đời của eDoctor, chính là kết hợp giữa 2 yếu tố: thỏa mãn ước mơ thời nhỏ và muốn làm gì đó có ích cho xã hội”, Vũ Thanh Long hồi tưởng.
Khi đó, mặc dù công ty game online trên mobile khá ổn, nhưng Vũ Thanh Long luôn nghĩ: "Cuối cùng cần phải quay về thì mình phải làm một thứ gì đó có ý nghĩa xã hội, như là y tế hoặc giáo dục chẳng hạn, thứ mà mình vừa làm vừa thấy vui".
Theo anh Long, làm game cũng tốt, nhưng anh muốn làm cái gì đó ý nghĩa hơn, với cá nhân anh và với xã hội. Sau đó, anh Long gặp anh Nguyên (Đặng Công Nguyên - Co-Founder) và cả hai quyết định làm y tế.
“Chắc y tế nó chọn mình”, anh đúc kết.
Vũ Thanh Long có lý do để lựa chọn y tế và có động lực thôi thúc nuôi ước mơ làm y từ thời thơ ấu.
Những năm thập niên 90, ông và ba anh có bệnh mãn tính, nên gần như mỗi tháng một lần, đều phải đi từ quê nhà Đồng Nai lên TP.HCM để khám bệnh. Ba của anh sẽ dậy từ sớm, khoảng 3 giờ sáng, sau đó chuẩn bị vệ sinh cá nhân rồi ra bắt xe đò lên TP.HCM, tiếp tục đến bệnh viện chờ đợi vừa mất thời gian vừa vất vả và quay trở lại nhà vào chiều tối.
Việc khám bệnh có khi chỉ diễn ra trong một vài giờ, nhưng ba của anh phải chuẩn bị, di chuyển và chờ đợi hết cả ngày.
“Lúc đó, tôi thi thoảng được ba hoặc ông cho theo lên Sài Gòn chơi. Tuy vui, nhưng tôi cảm nhận được là mọi người rất vất vả, nhất là những khi bệnh nặng. Lúc nhỏ thì chưa ý thức được, nhưng lúc lớn lên, tôi hay nghĩ vẩn vơ kiểu như: làm sao chúng ta có thể khám chữa bệnh ngay tại nhà hoặc ở gần nhà mà không phải vừa đi xa vừa phải chen lấn nhau?”, Founder eDoctor cho hay.
Bộ đôi Long và Nguyên xắn tay khởi nghiệp eDoctor ban đầu chưa phải theo dạng xây app (ứng dụng) như hiện tại. Họ làm một tổng đài điện thoại tư vấn sức khỏe từ xa. Lúc đó, tổng đài tư vấn kết hợp với Viettel hoạt động rất tốt, nhưng qua thời gian, khi danh tiếng của nó lan xa hơn thì bắt đầu có vấn đề.
Bất cập đầu tiên, đó là tần suất gọi của khách hàng không đều. Trong giờ làm việc thì không nhiều cuộc gọi, nhưng tổng đài thường xuyên quá tải vào giờ nghỉ trưa hoặc tối. Tổng đài này từng có cả ngàn người gọi một lúc.
Một khó khăn khác là các bác sĩ trực tổng đài chỉ có thể trả lời mỗi lần một người và thường gặp những ca bệnh không thuộc chuyên môn của mình. Chưa kể, các bác sĩ còn phải dùng quá nửa thời gian tư vấn để hỏi thông tin giới tính, tuổi tác, lịch sử sức khỏe…
“Tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để giải quyết những vấn đề đó và nâng cao hiệu suất làm việc của bác sĩ.
Lúc đó suy nghĩ của tôi cũng khá ngây thơ: Bài toán này mình có thể giải quyết được bằng công nghệ, thì mình tìm cách giải thôi. Làm startup y tế tức là ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, chắc không khó. Mình đã làm công nghệ bao nhiêu năm rồi, từ phần cứng cho đến phần mềm.
Nhưng thực tế lại khác: Khi càng đi sâu hơn, chúng ta sẽ thấy là cuối cùng công nghệ chỉ đóng vai trò rất khiêm tốn. Muốn góp phần cải thiện dịch vụ y tế ở Việt Nam, cần có một giải pháp tổng thể. Mà như người ta nói, để thay đổi thì phải bắt đầu thay đổi cách tư duy đã”, anh Vũ Thanh Long thú nhận.
Sau nhiều cải tiến và thay đổi, eDoctor đã triển khai ứng dụng và các dịch vụ đa dạng. Dịch vụ mà startup này cung cấp cho khách hàng vừa hoạt động online vừa hoạt động offline, đòi hỏi hàm lượng chuyên môn lớn và có tính đặc thù rất cao.
Hiện tại, eDoctor có 4 dịch vụ chính: cung cấp thông tin về sức khỏe y tế cho người dân, tư vấn sức khỏe với bác sỹ online, dịch vụ y tế, mua thuốc trực tuyến. Doanh thu của startup này đến chủ yếu từ mảng dịch vụ với các loại hình như đặt lịch khám online tại bệnh viện – phòng khám, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bảo hiểm sức khỏe, xét nghiệm di truyền, gói khám sức khỏe cơ bản, tầm soát ung thư… Họ có cả khách hàng B2C và B2B.
Hiện hệ thống đã kết nối 200 phòng khám và bệnh viện, cộng với 600 bác sỹ đã được ký hợp đồng và hơn 80 nhân sự của eDoctor đang phục vụ 300.000 người dùng. Về cơ bản, khách hàng được bác sỹ tư vấn miễn phí, nhưng eDoctor phải trả tiền cho bác sỹ, ví dụ như theo lượt tư vấn. Còn trong Covid-19, khi thực hiện các dự án cộng đồng khác nhau, cộng với bác sỹ tình nguyện thì lượng bác sỹ hoạt động trên app có thể lên đến 1.000 người.
Trong ngành này, các nhân sự y tế đóng vai trò rất quan trọng, nên nếu chỉ riêng công nghệ thì không thể giúp cho sản phẩm, dịch vụ chạy tốt.
Theo đuổi khởi nghiệp ngành y tế, anh Long cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ e ngại khi nghĩ đến việc khởi nghiệp trong ngành y tế, là không thể phát triển quá nhanh ngay cả khi chấp nhận ‘đốt tiền’. Hay nói cách khác, muốn doanh nghiệp lớn mạnh, bạn sẽ phải phát triển kiểu ‘tuần tự nhi tiến’ và không thể đốt cháy giai đoạn. Cũng giống như khi thử nghiệm các loại thuốc hay vaccine, bạn phải theo đúng quy trình, quy chuẩn chung đã được ban hành.
“Y tế và những người làm trong ngành y tế có kỷ luật rất cao, phải tuân thủ các qui trình làm việc quy củ, nên để thuyết phục họ sử dụng các công cụ hay dịch vụ mới - ngay cả miễn phí - cũng là rất khó.
Quy trình hoạt động của một bệnh viện là hết sức phức tạp. Nếu cải tiến hoặc thay đổi bằng công nghệ, nếu quá trình chuyển giao không trơn tru, gây ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh, thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong ngành y tế, sự an toàn của người bệnh luôn được ưu tiên tuyệt đối và chúng ta phải thật sự hiểu rõ và thấm nhuần nguyên tắc này thì mới có thể kiên nhẫn phát triển.
Còn với các bác sỹ, thông tin và nhận thức chung về xu hướng số hóa trong y tế đã được nâng cao rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Vừa qua, Covid-19 cũng để lại một tác động tích cực hoàn toàn ngoài ý muốn là đã khiến cho đội ngũ bác sỹ – nhất là những người lớn tuổi, mở lòng hơn với eDoctor và sẵn sàng cửa dụng các công cụ công nghệ phục vụ tư vấn sức khỏe từ xa”, doanh nhân sinh năm 1985 cho hay.
Sau 8 năm, Vũ Thanh Long mới hoàn thành được một phần giấc mơ hồi trẻ của mình: Người bệnh có thể được tư vấn sức khỏe từ xa ngay tại nhà. Anh Long cùng eDoctor vẫn đang tiếp tục làm việc với các bệnh viện công đầu ngành tại TP.HCM nhằm hoàn tất giấc mơ hồi bé: giúp người dân các tỉnh lân cận có thể đặt lịch khám bệnh online khi có bệnh lớn.
Ban lãnh đạo của eDoctor không chỉ kiên nhẫn ở hoạt động mở rộng quy mô doanh nghiệp mà còn cả gọi vốn.
Có không ít startup công nghệ gọi vốn lớn từ các quỹ đầu tư ngay khi được 1 hay 2 năm tuổi. Trong khi, doanh nghiệp này chỉ bước ra ánh sáng khi lên Shark Tank vào năm 2019 và hoàn tất vòng gọi vốn pre-Series A trong năm 2020. Hiện tại, eDoctor đang tiến hành gọi vốn ở vòng Series A.
“Gọi vốn trong một ngành đặc thù như thế này là cực kỳ khó khăn. Trong năm 2017, sau khi nhận tài trợ 50.000 USD từ Google, chúng tôi đã có cơ hội sang Mỹ và giao lưu với các startup khác trên khắp thế giới. Tôi vẫn nhớ, tại buổi gặp gỡ đó, chúng tôi đã phải dành một nửa thời gian để giải thích về thị trường và hệ thống y tế của Việt Nam, bởi chúng quá khác biệt so với thế giới.
Sau này, khi gặp các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư đến từ nước ngoài, chúng tôi vẫn phải lặp lại quá trình này.
Muốn đầu tư vào lĩnh vực heathcare thì các quỹ phải điều chỉnh và có cơ chế riêng chứ không thể như quy chuẩn chung. Điều này lại khá phức tạp, đòi hỏi cả quỹ và cả startup phải có tâm huyết thật sự với ngành. Nếu chỉ muốn đầu tư và kiếm lợi thật nhanh thì có lẽ không phù hợp với eDoctor”, Vũ Thanh Long khẳng định.
Khó khăn là vậy, nhưng khi được hỏi, nếu có bạn trẻ nào đó đến hỏi anh: “Em có nên theo anh khởi nghiệp ở lĩnh vực y tế hay không?”, câu trả lời của Founder này lại là “có”.
“Đây là một lĩnh vực cực kỳ khó. Vậy nên, trước khi bắt đầu, bạn hãy tự hỏi bản thân: Bạn có đủ can đảm để chơi hay không? Bạn có đủ thời gian để theo đuổi nó hay không? Bạn đã chuẩn bị đủ nguồn lực chưa? Tôi vẫn muốn kêu gọi thêm nhiều người chơi mới tham gia vào thị trường này, vì nó rất tiềm năng và có qui mô cực kỳ lớn.
Hiện tại, chưa có một đơn vị nào ở Việt Nam nổi trội và dẫn dắt trong lĩnh vực này. Rất tiềm năng nhưng rất khó – như một sự đánh đổi. Nếu bạn đủ nguồn lực và đam mê, thì cứ dấn thân thôi! Vì bản thân tôi cũng chưa từng làm y tế, trước eDoctor, tôi chủ yếu làm công nghệ.
Hiện nay, eDoctor đã rất tự tin về mô hình kinh doanh của mình, nhưng chúng tôi cần thêm nguồn lực và thời gian để phát triển.
Còn nếu nhìn rộng ra thế giới, chúng ta chưa thấy bất cứ startup nào ở ngành healthcare được gọi là thành công lớn hay vượt bậc; cho dù là ‘kì lân’ thì vẫn trong quá trình xây dựng và tái đầu tư. Có thể nói rằng, các startup ‘kì lân’ về y tế đó đã đạt được thành tựu đáng kể, nhưng họ vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với rất nhiều thách thức trước mặt”, Vũ Thanh Long kết luận.
Hiện tại, eDoctor đang tích cực đưa ra thị trường ứng dụng Phòng khám trực tuyến - Virtual Clinic - đầu tiên ở Việt Nam. Giấc mơ cách đây 8 năm của Founder này đang từng bước trở thành hiện thực.