Thông tin từ báo Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 5, giá trị sản xuất công nghiệp của CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) đạt 4.531 tỷ đồng, phôi thép sản xuất trên 120.949 tấn, thép cán sản xuất 311.765 tấn, tiêu thụ thép cán 299.777 tấn.
Tổng doanh thu đạt 6.295 tỷ đồng, thực hiện được 49% kế hoạch năm đặt ra với 12.953 tỷ đồng.
Ngày 13/6, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) về việc xử lý các tồn tại, vướng mắc của Hợp đồng EPC Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2).
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, việc xảy ra những tồn đọng, đình trệ tại Dự án Tisco 2, đã tạo ra luồng dư luận tiêu cực trong nhân dân và ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp giữa hai nước.
“Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã dành sự quan tâm lớn trong công tác giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của Dự án Tisco” –Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhấn mạnh.
Dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II do Tisco làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng.
Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang trong tình trạng dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC. Từ năm 2012 đến năm 2016, Tisco và MCC đã tiến hành 12 cuộc đàm phán nhưng không giải quyết được các vướng mắc Hợp đồng EPC.
Theo ông Hoàng Anh, kể từ buổi làm việc vào ngày 11/12/2023 các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai công việc, tiến độ giải quyết đã có những bước tiến tích cực. Trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ Việt Nam.
Về phía Trung Quốc, ông Bạch Tiểu Hổ - Thường trực Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn MCC cho rằng những vướng mắc tại Dự án 2 đã kéo dài trong nhiều năm nhưng điểm tích cực là các bên liên quan phía Trung Quốc và phía Việt Nam đã đạt được nhận thức chung là thông qua hợp tác, trao đổi để giải quyết vấn đề dựa trên quy định pháp luật của hai nước và những điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng.
Lãnh đạo MCC cũng cho rằng, thời gian qua, các bên liên quan phía Trung Quốc và Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều bước kỹ thuật, tạo cơ sở thuận lợi cho công tác đàm phán, trao đổi. Dựa trên nền tảng này, MCC sẽ đánh giá lại Dự án, đề xuất hướng giải quyết phù hợp nhất, đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.