Tiến sĩ Chloe Buiting, công tác tại khu bảo tồn Lord Howe Island của Australia, thường xuyên làm việc với động vật hoang dã. Tuy nhiên, khác với những nhà nghiên cứu thông thường, bà thường ứng dụng công nghệ hiện đại cho con người lên động vật.
"Câu chuyện tôi thường kể với mọi người là những gì công nghệ có thể thực sự được ứng dụng cho vấn đề bảo tồn thiên nhiên", Buiting viết trên Instagram.
Tài khoản của bà cũng thường xuyên đăng hình ảnh và video sử dụng công nghệ để chữa bệnh cho động vật. Video bà sử dụng Apple Watch đo nhịp tim sư tử hiện nhận hơn 120.000 lượt thích cùng hàng trăm bình luận.
"Tôi không nghĩ có thể đo nhịp tim cho sư tử bằng Apple Watch cho đến khi sử dụng nó. Phát hiện này đặc biệt hữu ích vì một trong những thách thức lớn nhất khi làm việc với động vật tại nơi chúng sống là đo nhanh các thông số chỉ bằng gây mê tạm thời thay vì phải đưa đến trạm cứu hộ", bà Buiting nói với New York Post. "Nó cũng ấn tượng, bởi hầu hết máy theo dõi nhịp tim đều được thiết kế cho động vật nhỏ hơn, không phải chúa tể rừng xanh".
Bà Buiting cũng cho biết từng dùng Apple Watch để theo dõi nhịp tim của voi bằng cách dán thiết bị của Apple vào tai chúng. Theo bà, đây là cách không ai nghĩ đến, nhưng sau đó được nhiều đồng nghiệp áp dụng.
Trên Instagram, nhiều người thích thú với việc Buiting sử dụng đồng hồ thông minh để khám bệnh cho động vật hoang dã. "Thực sự sáng tạo. Có thể chính Apple cũng chưa nghĩ đồng hồ của mình sinh ra để làm điều này", tài khoản nick_brezzy viết. "Nghiêm túc mà nói, bên cạnh chuyên môn, chúng ta cần có những sự sáng tạo như vậy", tài khoản Adriancito bình luận.
Hiện Buiting sống cùng chồng là Jan, bác sĩ thú y về động vật hoang dã ở phía nam Australia. Cả hai từng xuất bản sách The Jungle Doctor năm 2021 nói về trải nghiệm bảo tồn thiên nhiên và động vật ở Australia.
(theo New York Post, Pantera Press)