Kinh doanh

Gần 50% khách hàng không sẵn sàng chi trả trên 200 ngàn cho một bữa ăn ở nhà hàng

Hôm 7/7, Kamereo – nền tảng cung ứng thực phẩm B2B đang hoạt động ở TP. HCM và Hà Nội đã phát hành một báo cáo thị trường nhỏ “Lắng nghe doanh nghiệp – Khám phá lợi thế cạnh tranh vượt trội”. Cuộc khảo sát của Kamereo có 93 mẫu; với 38,7% là quán cà phê/đồ uống, 33,3% là nhà hàng, 9,7% DN nhỏ, còn lại là khách sạn, bar/club, căn tin/trường học….

Kết quả khảo sát cho thấy, có 51,6% khách hàng sẵn sàng chi trả tối đa 200 ngàn đồng cho một bữa ăn. Tức là, có tới gần 50% người tiêu dùng Việt Nam không sẵn sàng chi trả cho một bữa ăn trên 200 ngàn.

Cụ thể hơn: có 21,5% khách hàng sẵn sàng chi trả từ 200 ngàn đến 300 ngàn cho một bữa ăn, 14% cho từ 300 ngàn – 400 ngàn, 6,5% từ 400 ngàn – 500 ngàn và chỉ có 6,5% chọn từ 500 ngàn trở lên cho một bữa ăn.

(Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, 86% khách hàng có xu hướng sử dụng dịch vụ tại chỗ, chỉ có 7,5% là mang đi và 6,5% giao hàng qua các app. 44,1% DN ghi nhận số lượng đơn hàng giao ở quý I/2025 không thay đổi đáng kế so với quý trước.  

Với dịch vụ giao hàng, các DN F&B có thể chọn tự giao hàng (tự vận hành với tài xế của mình hoặc tự đặt giao hàng qua Ahamove/Grab), hoặc thông qua các app đặt thức ăn hay chọn cả hai.

Hiện có 17,4% DN cho biết có cung cấp dịch vụ giao hàng, tuy nhiên vẫn có 7,5% DN tham gia khảo sát không sử dụng bất kỳ nền tảng giao hàng nào. Còn nền tảng đặt thức ăn được DN ưa chuộng nhất là GrabFood (31,3%), ShopeeFood (29,2%), beFood (9,2%), Capichi Delivery (5,6%)… Chúng ta không thấy xuất hiện cái tên Xanh SM, có thể vì dịch vụ đặt thức ăn của họ còn quá mới.

Ngoài việc người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang tiết giảm chi tiêu bởi những biến động địa chính trị khó lường cộng với nền kinh tế chưa thực sự hồi phục hoàn toàn, các DN F&B còn gặp nhiều khó khăn trong vận hành doanh nghiệp.

Cũng theo khảo sát của Kamereo, 29,4% nhà hàng/quán cà phê cho biết chi phí vận hành (điện nước, logistics) của họ đang tăng; 24% thấy biến động giá thực phẩm thật khó lường; 18,6% bị ảnh hưởng xấu bởi sự cạnh tranh từ chuỗi lớn và thương hiệu nhượng quyền; 14% gặp thách thức do thiếu hụt lao động…

Kết quả là có 32,3% DN tiết lộ doanh thu của họ trong quý I/2025 giảm mạnh trên 20% so với quý IV/2024, 8,6% giảm nhẹ dưới 20% và 28% thay đổi không đáng kể. Ngược lại, 7,5% DN cho hay doanh thu của mình tăng mạnh trên 20%, 23,7% tăng nhẹ dưới 20%. 

(Ảnh chụp màn hình)

Kamereo cho biết thêm, dù gần 70% DN ghi nhận doanh thu không bứt phá nhưng có đến 21,5% DN bày tỏ là đang có kế hoạch mở rộng quy mô/chi nhánh; 48,4% DN đang cân nhắc việc này. 

Mặc dù mẫu khảo sát của Kamereo tương đối ít, nhưng kết quả lại cho thấy xu hướng tiêu dùng F&B trong đầu năm 2025 đang tiếp diễn năm 2024 và những dự đoán của các chuyên gia trong ngành F&B là có cơ sở.  

Trong “Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực Việt Nam năm 2024” do iPos.vn và Nestle Professional phát hành tháng 3/2025, kết quả cho thấy là người tiêu dùng Việt Nam đã thắt chặt chi tiêu.

Báo cáo chỉ ra: Sự thay đổi trong mức chi tiêu cho đồ uống bên ngoài giữa năm 2023 và 2024 thể hiện rõ xu hướng dịch chuyển từ các phân khúc giá cao và trung cao xuống các phân khúc bình dân và trung cấp.

Đáng chú ý là sự suy giảm mạnh mẽ của nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chi 35 ngàn – 50 ngàn đồng. Từ mức 47,7% vào năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 31,5% vào năm 2024. Thay vào đó, mức chi 21 ngàn – 35 ngàn đồng tăng từ 29,6% lên 40% trong năm 2024. Mức giá dưới 20 ngàn đồng cũng tăng số lượng thực khách sử dụng, từ 4,3% lên tới 12,3%.

(Ảnh chụp màn hình)

Gây bất ngờ nhất là phân khúc cao cấp (từ 70 ngàn đồng) trở lên. Tưởng chừng như đã là rất thấp, phân khúc đồ uống cao cấp sụt giảm nghiêm trọng từ 7,3% xuống còn 5,1%. So với nghiên cứu của iPOS.vn vào 6 tháng đầu năm 2024, mức chi tiêu này thậm chí còn thấp hơn (6,4% thực khách sử dụng đồ uống từ 71 ngàn đồng trở lên).

Kết luận thứ hai của Báo cáo: năm 2025, 49,2% doanh nghiệp F&B tại Việt Nam sẽ quyết định tăng giá sản phẩm để đối phó với áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Như đã phân tích, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng mạnh trong thời gian qua, cộng với các yếu tố chi phí khác như lương cơ bản tăng từ 1/7/2024 và chi phí thuê mặt bằng leo thang do sự gia tăng của giá bất động sản.

Các tin khác

Chứng khoán lập đỉnh mới

VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới - 1.415 điểm. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, vốn nội, ngoại cùng giải ngân, trong đó, khối ngoại duy trì chuỗi 5 phiên liên tiếp mua ròng.

"Tài khoản ngân hàng chính đăng ký thuế nếu có giao dịch sai phạm, tất cả tài khoản liên quan của hộ kinh doanh có thể bị kiểm tra, truy thu"

Trước bối cảnh chính sách thuế ngày càng hoàn thiện và siết chặt minh bạch, vị chuyên gia cho rằng, hộ kinh doanh nên cân nhắc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để vừa được hưởng các chính sách ưu đãi thuế, vừa thuận lợi trong việc mở rộng quy mô và tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

EVNNPC lên phương án đảm bảo cung ứng điện ổn định 6 tháng cuối năm

Trước dự báo tháng 7–8 còn nhiều đợt nắng nóng gay gắt, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tiếp tục kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: điều chỉnh điều hòa từ 26–27°C trở lên, sử dụng kết hợp quạt làm mát; hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện công suất lớn, đặc biệt trong khung giờ cao điểm trưa (13h – 15h) và tối (20h – 23h) , tắt thiết bị khi không sử dụng.

Chỉ 2 thao tác đơn giản, dễ dàng trúng hàng trăm triệu đồng khi uống Trà Xanh Không Độ

Từ ngày 5/5 đến hết ngày 2/8, chỉ với 2 thao tác đơn giản, người tiêu dùng có cơ hội trúng 06 giải Nhất - mỗi giải 100 triệu đồng cùng 24 giải Nhì - mỗi giải 01 voucher trị giá 20 triệu đồng và hơn 800.000 giải thẻ cào điện thoại khi giải nhiệt, giảm căng thẳng ngày hè với Trà Xanh Không Độ.

Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay

Ngân hàng UOB của Singgapore điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 thêm 0,9%, lên mức 6,9%. Tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm nay ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD.