Phong cách sống

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều

10 năm trước, Thư Lê - một cậu thanh niên 21 tuổi với niềm đam mê thời trang đã tự sáng lập ra một thương hiệu thời trang Việt có tên SSStutter. Đây là cái tên local brand quen thuộc với giới trẻ đặc biệt là những nam thanh niên ở độ tuổi 16-24.

Quyết định bỏ học để kinh doanh thời trang khi còn là sinh viên năm 2, Founder SSStutter năm ấy không biết đã trải qua bao nhiêu “trận đòn roi”. Những trận đòn từ người bố nghiêm khắc khi nghĩ con trai mải chơi mà bỏ học rồi đến những cú ngã đau đớn trên hành trình khởi nghiệp.

Năm 19 tuổi, Thư Lê đã bắt đầu với công việc kinh doanh thời trang, làm thêm cho 15 thương hiệu khác nhau, 21 tuổi quyết mở công ty với số vốn 1 triệu đồng. Đến nay đã là hơn một thập kỷ gắn bó với thời trang đầy thăng trầm của anh, có những thời điểm đạt đến đỉnh cao, có lúc chạm đến bờ vực thẳm vì sai lầm trong quá khứ.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 1.

Được biết, anh thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình vào năm 2014 cũng là khi anh 21 tuổi, điều gì khiến anh quyết định gắn bó với thời trang?

Đam mê thời trang đến với tôi từ khi còn rất nhỏ. Khi còn là một cậu bé 8 tuổi, tôi đã nhận ra gia đình mình rất khó khăn. Từ lúc đi mua quần áo, tôi hiểu được sự khác biệt của ngành dịch vụ khi mà trông bạn có tiền hay khi bạn không có tiền qua cách ăn mặc.

Tôi nhớ một lần, năm tôi 8 tuổi, mẹ có đưa tôi đi mua quần áo tại một cửa hàng Việt Nam xuất khẩu. Hôm ấy, trời mưa rất to, thấy 2 mẹ con đi xe đạp đến mua quần áo, nhân viên không chào, không phục vụ, tôi cảm thấy bị bỏ mặc. Nhưng khoảng 5 phút sau, khi có một cặp mẹ con đi ô tô đến, nhân viên họ chạy ra chào đón rất niềm nở. Lúc ấy, tôi ước nay mai lớn, mình sẽ mở ra một cửa hàng không để cho nhân viên có thái độ dịch vụ không tốt như thế được. Đó là lúc tôi quyết định sẽ mở ra một thương hiệu thời trang.

Nhưng người truyền cảm hứng cho tôi nhất là ông nội. Từ lúc tôi 8 tuổi đến khi 18 tuổi, tròn 10 năm, tôi được ảnh hưởng rất nhiều từ ông. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng ông nội lúc nào cũng rất chỉn chu. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, quần áo của ông luôn trong trạng thái sơ vin và không bị nhăn nhúm. Hình ảnh ấy khắc sâu trong lòng đầu tôi trong suốt 10 năm. Ông khiến tôi lúc ấy có suy nghĩ, sau này mình lớn lên, mình sẽ làm ra một thương hiệu thời trang để mình có thể ảnh hưởng sự bảnh bao từ ông. Quan trọng nhất là chỉn chu, tinh tế trong mọi việc mình làm.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 2.

Mong muốn một cậu bé 8 tuổi năm ấy dần dần được anh hiện thực hóa như thế nào?

Khi học Đại học, tôi bắt đầu đi làm thêm. Trong khoảng thời gian từ 18-20 tuổi, tôi đã làm việc cho 15 thương hiệu thời trang khác nhau. Sau đó, tôi quyết định khởi nghiệp với số vốn là 1 triệu đồng. Hồi đấy, tôi mới nhìn xem trong tất cả cửa hàng thời trang thiếu gì? Họ thiếu kính mắt trong khi thanh niên cận thì rất nhiều. Vậy nên tôi dùng 1 triệu đó đi nhập kính. Khi có gần 50 triệu tiền lãi từ việc bán kính, tôi đi vay thêm 40 triệu đồng nữa để kinh doanh quần áo thành 90 triệu đồng. Có số tiền này, tôi sang Quảng Châu nhập lô hàng đầu tiên.

Tôi thấy rằng thị trường thời trang thời điểm đấy bị phụ thuộc vào Quảng Châu rất nhiều. Khoảng 8-10 năm trước, gần như các thanh niên tại Việt Nam chỉ mặc đồ Quảng Châu. Nhập hàng Quảng Châu được một thời gian, tôi chợt nghĩ rằng tại sao chúng ta cứ phải phụ thuộc vào hàng Quảng Châu nhiều như vậy? Khoảng 2-3 năm sau đó, tôi không sang Quảng Châu và quyết định may, mua vải, cắt dập, chụp ảnh và thiết kế tại Việt Nam.

Quyết định bỏ học, liều lĩnh khởi nghiệp sớm, những năm tháng đầu tiên khởi nghiệp của anh có những dư vị gì?

Lúc đầu, gia đình tôi không tin và cũng không ủng hộ. Những ngày đi làm thêm, tôi làm từ sáng đến khuya, đến khi về nhà còn bị bố đánh 1 trận. Ngày nào cũng như vậy, tôi chỉ dám ăn một gói xôi 5.000 đồng và làm việc đến 2-3 giờ sáng.

Tôi còn bị lừa một vài lần. Vì muốn tôi sớm quay trở lại con đường đi học, có người đã cho tôi vay một số tiền để khởi nghiệp. Nhưng đúng lúc tôi vừa nhập hàng về, tôi bị đòi lại số tiền đấy, trong khi trước đó họ bảo cho mình vay khoảng 1 năm. Đây là lần đầu tiên tôi rơi vào trạng thái cạn tiền mặt và không có khả năng xoay sở để trả nợ.

Lúc ấy, SSStutter mới đi vào hoạt động khoảng 3 tháng, tôi thông báo với khách hàng rằng: “Chúng tôi sắp phá sản”. Ngay sau đó, khách đã đến mua tất cả hàng hóa của tôi chỉ trong một buổi chiều. Nhờ đó mà tôi có tiền trả nợ và hoạt động tiếp. Hồi ấy, tôi bán hàng trên một căn gác xép nhỏ tại nhà. Đi vào trong ngõ ngoằn nghèo nhưng lúc nào khách hàng cũng tìm đến. Tôi và ông nội đã cùng xây ra cửa hàng, từ miếng kính, đến ống nước vặn vào thành giá quần áo, SSStutter được ra đời từ những sự đơn giản như vậy!

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 3.

Ở thời điểm còn quá trẻ, mới 21 tuổi, anh đã quyết định làm ra những sản phẩm “made in Việt Nam” hoàn toàn vì sao vậy?

Mình có thể có tư duy làm sản phẩm cao cấp để đem đến cho khách hàng những thứ tốt nhất. Nhưng nhiều khi cách làm việc của nhiều người còn hơi manh mún, nghĩa là lô đầu tiên họ sẽ làm rất tốt nhưng các lô hàng sau họ sẽ làm kém dần đi. Chính sự xuất hiện các thương hiệu Việt quyết định may mặc, sản xuất tại Việt Nam giúp cho nền sản xuất Việt ngày càng xịn hơn. Các xưởng may tại Việt Nam và các cô công nhân, thợ may cũng có tư duy chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Trước khi bắt tay vào với thương hiệu của riêng mình, anh đã làm việc với 15 thương hiệu thời trang khác nhau, một con số không nhỏ. Anh đã học được những gì từ 15 thương hiệu này?

Càng làm, tôi càng nhận ra được nhiều lỗ hổng. Có những thương hiệu quần áo đẹp nhưng quy trình vận hành kém. Có những thương hiệu kiếm được nhiều tiền nhưng lại không tập trung vào con người. Tôi rút được kinh nghiệm là tại công ty mình nên tập trung vào con người và quần áo đẹp, vừa vận hành sao cho quy trình chuyên nghiệp nhất, tất cả phục vụ khách hàng.

Tôi học được một điều rất quan trọng: Phải đối đãi thật tốt với nhân viên và cho đi nhiều hơn. Khi giám đốc khác tính toán nhiều hơn về chuyện lãi lỗ, khoản này khoản kia chi nhiều cho nhân viên quá thì tôi lại không coi đó là một khoản chi phí, tôi coi việc đối đãi với nhân sự là một khoản đầu tư. Đối xử với con người tốt là nền tảng để công ty phát triển và đi lên, đây là kinh nghiệm “đau đớn” nhất của tôi. Đã có nhiều thời điểm tôi chọn tiền, tôi đều thất bại cả. Những lúc tôi chọn con người thì tôi đều chiến thắng.

Giả sử, nếu công ty năm ấy làm không lãi nhiều, tôi sẽ đi vay tiền để thưởng cho nhân viên, làm sao để thưởng đúng 1 tháng lương, dù “có sống có chết” vẫn phải đủ 1 tháng lương. Sau đó sẽ có thưởng thêm nếu nhân viên đó giỏi và làm được việc tốt. Tôi không bao giờ thưởng tết dưới 1 tháng lương dù cả lúc công ty có tiền hay không có tiền. Những năm trung bình sẽ thưởng 2 tháng lương, những năm xuất sắc là 3 tháng lương. Những lúc mình quyết định cắt của nhân viên cái nọ thì đó là lúc họ có thể nghe lời mình trên giấy tờ, nhưng không phục mình trên trí tuệ. Lúc này, họ sẽ ngấm ngầm rời đi.

Thậm chí, từng có lúc tôi lỗ cả 5 tỷ, không có ai giúp đỡ cả. Nhưng khi tâm sự với các leader thì mỗi người cho vay một chút và công ty đã sống lại.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 4.

Anh chọn cho thương hiệu của mình cái tên SSStutter, ý nghĩa của cái tên này thế nào?

SSStutter đại diện cho 1 thế hệ thanh niên sống nội tâm, nhưng bảnh bao. Chỉ cần bảnh bao, chỉn chu, tinh tế một chút là mọi người đã thích bạn. Tôi bị nói lắp , đọc chữ S rất dài, tôi để SSStutter có tận 3 chữ S để mọi người cũng bị nói lắp giống tôi (cười). Tôi nghĩ khách hàng sẽ nghĩ đến mình hơn khi ai cũng nói lắp giống người chủ. Sự độc đáo đến từ khiếm khuyết. Ai cũng hoàn hảo chỉ có SSStutter là không hoàn hảo, vậy nên chúng ta mới được nhớ đến.

Khách hàng của SSStutter được định hướng là nam 16-24 tuổi, sau nhiều năm, tệp khách hàng có biến động không? Anh có ý định mở rộng sang những lứa tuổi khác không?

Một thương hiệu tốt nên là thương hiệu giữ đúng lời hứa. Nếu mở rộng ngành hàng, chúng ta sẽ gấp đôi số lượng mà mình cần phục vụ, mình có đảm bảo được rằng mình phục vụ được họ tốt không? Thế nên tôi sẽ không bao giờ đánh mất lòng tin nơi khách hàng nữa vì bọn tôi đã từng làm rồi. Tôi mở thêm nhiều thứ, đồ nữ rồi không cái gì ra cái gì. Điểm mạnh của mình là khách hàng nam, người ta tìm đến mình để mua đồ nam, mình lại vì đồng tiền mà bán thêm đồ nữ. Ngoài kia quá nhiều thương hiệu đồ nữ mạnh. Mỗi khi mình tham là khi mình chết, khi biết buông bỏ, mình lại sống rất ngon.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 5.
Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 6.

Hành trình khởi nghiệp 9 năm qua của anh, đâu là thời điểm huy hoàng nhất?

4 năm đầu tiên của SSStutter là thời kỳ huy hoàng nhất. Tôi đã đạt được mục tiêu tài chính triệu USD vào khoảng thời gian 4 năm huy hoàng nhất. 4 năm đầu, công ty đều tăng trưởng gấp đôi. 3 năm đầu chật vật được 1 triệu USD, đến năm thứ 4 là 2 triệu USD, đến năm thứ 5 là được 3 triệu USD.

Sau khi đạt được mục tiêu tài chính, có nhiều người giỏi vào làm, tôi đã nghĩ mình là nhà vô địch. Có tiền, có nhân sự giỏi đấy, lúc ấy, tôi ngừng học, mình nghĩ để người ta làm thay. Nhưng tôi đã quên mất rằng người tài hay người dốt vào đây, ngoài thu nhập, họ còn muốn học được điều gì đó từ mình. Giây phút mình lười biếng là lúc họ thất vọng về mình. Và khi họ thất vọng, họ rời đi.

Thời điểm huy hoàng, với suy nghĩ là nhà vô địch, anh ngừng học, kết quả sau đó ra sao?

4 năm tiếp theo của SSStutter chính là thời điểm khó khăn nhất. Đây là thời điểm vừa ảnh hưởng với dịch covid, vừa chuyển giao với nhiều nhân sự. Ở công ty, tôi luôn đem đến cho các bạn sự tự tin, đôi khi sự tự tin ấy lại biến thành sự trịnh thượng và hơi thái quá. Đã có thời điểm chúng tôi “chết” vì hai chữ tự kiêu và cái tôi cao. Tôi đã từng xấu tính như vậy, và đây cũng là lúc tôi thất bại nhất.

Quãng thời gian tôi tự kiêu cũng là quãng thời gian tôi không học. Khi ấy công ty “cắm đầu”, khách hàng chửi bới, nhân viên bỏ đi. Chúng tôi được “vinh danh” trên các group tuyển dụng là công ty này có quản lý, nhân sự hách dịch, điều này khiến chúng tôi thất vọng, chúng tôi tưởng tượng công ty của bạn khác rồi. Lúc ấy, tôi nhận ra mình và đội ngũ quản lý đã sai rồi, cần phải nhìn lại.

Khách hàng không quay trở lại. Một khách hàng trung bình chi cho mình khoảng 20-25 triệu/năm, nhưng bây giờ họ không xuất hiện nữa, mình sẽ phải đặt câu hỏi là tại sao nhỉ? Lúc mình gọi cho họ thì họ bảo, anh mất chất. Cái câu nói “anh mất chất” là một câu nói mình vừa đau, vừa là một bài học. Lúc này, tôi lại tìm lại chất ban đầu.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 7.

Mục tiêu ban đầu là đầu tư, phụng sự con người, căn nguyên do đâu dẫn đến sự thay đổi như vậy?

Lúc ấy, chúng tôi đặt tiêu chuẩn khắt khe hơn cho công ty của mình và những người trong công ty. Khi không phân biệt được khoảng cách mong manh giữa khắt khe và hách dịch, đó là lúc mình làm cho mọi người không hài lòng.

Ngoài ra, còn lý do, lúc ấy chúng tôi chọn tiền. Tôi chọn 1 con số cao ngất ngưởng và để chạm được con số đấy nhiều khi không thể bán với giá bình thường được. Bạn sẽ phải triết khấu liên tục, chiết khấu 20%, 50% và việc này liên tục được nhắc đi nhắc lại. Và lúc ấy khác hàng định vị rằng SSStutter nên được gọi là SSSale. Đó là lúc chúng tôi cảm thấy rất hối hận vì quyết định của mình. Có những lúc tôi phải dừng làm việc với các leader mà tôi quý mến bởi các triết lý làm việc của họ bây giờ chỉ có sale thôi. Mình phải dừng lại trước khi quá muộn và một đội ngũ tan tác. Tôi có thể đi chậm nhưng thương hiệu phải mạnh, sản phẩm phải tốt. Chứ không phải muốn đi nhanh mà mình làm mọi thứ rẻ đi, sản phẩm cứ chộp giật rồi lỗi hoài. Mình không chọn như thế nữa.

Con đường vực dậy, tìm về thời đỉnh cao tiếp theo của anh diễn ra như thế nào?

Điều quan trọng là mình phải nhận ra bản thân còn không biết nhiều thứ. Bước qua thời điểm còn đỉnh cao, tôi nghĩ rằng mình biết hết nên “hậu quả” mới như vậy. Có 1 câu nói “Mọi công ty phá sản, trước khi phá sản thì họ đã từng đi lên rất huy hoàng”. Bởi vì cái tôi của người founder quá cao và họ nghĩ họ không thể thua. Và tôi thua khi đã từng nghĩ như thế.

Một ngày, chúng tôi ngồi lại và nhìn nhận ra những sai lầm, nhiều thứ chúng tôi phải học hỏi thì đấy là lúc công ty có thể phục hồi lại.

Dần dần, chúng tôi có lượng khách hàng ổn định. Thời điểm này của 3 năm trước, cứ một cuộc điện thoại gọi đến thì lại bảo rằng áo lỗi, quần lỗi. Đến bây giờ tình trạng này còn rất ít, chỉ còn khoảng 1%. Tôi tin rằng với 1 sản phẩm tốt sẽ tạo được lòng tin. Và không có gì tạo lòng tin tốt bằng 1 sản phẩm tử tế. Thời thế tạo anh hùng, SSStutter chưa bao giờ là giỏi nhất cả, còn quá nhiều thứ phải học.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 8.

Có quan điểm “Các local brand Việt bán sản phẩm với mức giá quá cao”, anh nghĩ như thế nào về điều này?

Đã là thương hiệu địa phương thì họ luôn tin rằng họ mang đậm bản sắc của địa phương đấy. Mọi người có thể mua 1 chai nước yến 4 lọ với giá 500-800 chỉ đơn giản để đi biếu. Vậy sao các bạn trẻ không thể bán 1 sản phẩm 2-3 triệu khi các sản phẩm đó là limited. Nếu cùng sản phẩm đó, ra nước ngoài người ta bán 100-200 đô, cũng là từ 2-4 triệu 1 cái áo phông. Nhưng sao với một chiếc áo khoác được may cầu kỳ ở Việt Nam chỉ có giá 1-2 triệu lại được gọi là đắt. Chúng ta nên thông cảm cho những thương hiệu mới, đặc biệt là thương hiệu nội địa. Vì ít nhất họ đã phát triển rồi. Còn giá thì thuận mua vừa bán, chúng ta thấy thì phù hợp thì mua.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 9.

Đi qua thăng trầm sau 9 năm, triết lý mà anh nhận ra và theo đuổi là gì?

Triết lý mà tôi theo đuổi là “Less is more”, ít hơn là nhiều hơn. Chúng ta buông bỏ được nhiều thứ thì trí óc của ta tràn đầy. Đó cũng là phong cách của SSStutter.

Thời điểm đó, nhiều người thích màu sắc nhưng tôi lại làm mọi thứ tinh gọn, đi ngược số đông, điều này khiến tôi cũng gặp phải một số khó khăn. Mọi người mặc quần áo để thể hiện, thương hiệu nào cũng làm logo to đùng. Nhưng chúng tôi không làm vậy. Các bạn mua 1 sản phẩm với giá 500k, 5 năm sau bạn vẫn mặc được. Nếu bạn muốn chạy theo xu hướng ngày càng nhiều hơn, bao giờ mới là đủ. Nhiều người chạy theo trend, chỉ 3 tháng là bạn bỏ đi. Còn 1 sản phẩm của SSStutter, tôi có thể hứa với bạn, bạn mua một chiếc áo, 5 năm sau mặc lại với như mới.

Tôi đã từng thấy trong một cửa hàng phở có tận 10 thanh niên mặc đồ của SSStutter trong 1 hàng phở. Nhưng họ không cảm thấy ngại khi mà áo tôi giống áo bạn. Họ gặp mình và nói: “Ơ anh chủ này”. Mình cũng “Ờ bạn bảnh đấy”. Đấy là sự tinh tế trong thời trang.

Theo anh, việc bắt đầu sớm từ những năm 19-20, kinh nghiệm bằng không đã mang lại cho mình trải nghiệm gì?

Với tôi, bây giờ mới là bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Tôi còn quá nhiều điều phải học và tiếp tục làm. 30 tuổi người ta bắt đầu hình thành một công ty, chỉ đơn giản là tôi sớm hơn mọi người một chút.

Bắt đầu sớm, tôi thất bại sớm và nhiều hơn mọi người 10 năm. Tôi từng bị khách hàng chửi bới trên mạng, nhân viên rời bỏ, mình mất đi rất nhiều tiền. Làm doanh nhân cũng như một diễn viên xiếc đi trên dây, phút trước bạn có thể được mọi người tung hô, phút sau đã có thể ngã trong đau đớn. Khôn ngoan không lại được giời, bạn có thể giỏi đến mấy nhưng ví dụ bạn gặp 2 năm covid, bạn có chắc mình chống được không?

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 10.

Những lần thất bại, những cú ngã đau để lại bài học đắt giá cho anh là gì?

Tôi có 3 điều thất bại. Thứ nhất là tự kiêu. Mình được như bây giờ là sự giúp đỡ của nhiều người. Mình không bao giờ được phép tự kiêu. 1 giây bạn tỏ ra tự kiêu là 1 giây bạn không biết ơn người khác. Mọi công ty phá sản đều bắt đầu từ chiến thắng huy hoàng. Một ca sĩ không hát nữa là khi họ được nhận giải. Công ty cạn tiền, cạn vốn khi sếp tiêu tiền lung tung, mua cho mình con xe, đấy là khi công ty thất bại.

Thứ hai là nghĩ rằng mình đã biết hết rồi. Đây là vấn đề của dốt. Những người dốt thì lại hay tinh tướng, những ông mới giàu thì lại hay khoe mẽ. Nhưng mình biết rằng mình chẳng là gì cả, mình chỉ là hạt cát trong sa mạc thì mình mới chợt nhận ra, ô mình vẫn còn nhiều thứ mình cần phải biết.

Thứ ba là không lo được cho nhân viên của mình. Tôi nghĩ rằng một nhân viên đặt niềm tin vào công ty, người đứng đầu, họ rất mong chờ công ty, người đứng đầu này sẽ thay đổi cuộc sống của tôi. Nhưng nếu như một thời gian dài mình không đáp lại được thì mình lãng phí thời gian của nhân sự. Đấy là sự thất bại lớn nhất của người làm nghề.

Mỗi thời điểm, thất bại đến đều rất đúng đắn. Không phải tự nhiên ông trời cho mình thất bại sấp mặt như vậy ở thời điểm đó. Khi nhận ra bản thân phải thay đổi, đó là lúc cục diện thay đổi. Mình đã quên mình là ai, thật ra mình chỉ là một người phục vụ thôi. Năm nay tôi phục vụ được 1 triệu người thì năm sau tôi phục vụ tiếp cho 2 triệu người, chứ không phải năm nay tôi kiếm 1 triệu USD năm sau tôi kiếm 2 triệu USD, không phải. Làm thế nào để năm nay phục vụ nhiều nhất?

Nhìn lại hành trình từ một cậu bé nghèo đến một người “sở hữu” vài triệu USD thật không dễ dàng, anh cảm thấy thế nào?

Nó vất vả nhưng rất đáng. Nghèo khó đã dạy tôi nhiều thứ. 95% con người đều rất lười, mọi người tỏ ra chăm nhưng mọi người đều lười, chỉ có 5% là họ chăm chỉ hơn người, đấy là sự quyết định. Sự khác biệt giữa hai người chạy thắng trong giải Olympic, người vô địch và người thứ 2 là 0,1 giây. Vậy sao mình không chăm chỉ hơn người khác 0.1 %. Cuộc đời mình sẽ khác.

Founder ‘local brand’ SSStutter: 19 tuổi kinh doanh, 21 tuổi bỏ học mở công ty với số vốn 1 triệu đồng, 3 tháng sau tuyên bố phá sản nhưng vực dậy chỉ trong 1 buổi chiều - Ảnh 11.

Anh chia sẻ, nghèo khó dạy nhiều điều, vậy cụ thể đó là những bài học gì, thưa anh?

3 bài học tôi nhận được lớn nhất khi sinh ra trong nghèo khó là đạo đức – trí tuệ - nghị lực. Việc nghèo giúp tôi có nghị lực. Việc mình có đạo đức, mình lại muốn có thêm trí tuệ, tiền bạc để giúp đỡ nhiều người hơn. Mình có thể nhìn người sinh ra đã giàu có, họ có trí tuệ nhưng họ thiếu nghị lực. Nhưng những người nghèo như tôi thì sẽ có được cả 3 vì tôi đã trải nghiệm qua cả 3 thứ.

Để chia sẻ một vài lời khuyên, một vài điều gì đó đến các bạn trẻ, anh sẽ nói những gì?

Hãy cứ chăm chỉ lên vì đa số mọi người đều rất lười nên tỷ lệ thắng của bạn là rất cao. Đa phần mọi người cứ so sánh người này giỏi, xuất phát điểm hơn mình. Những người giỏi, người giàu có hoàn toàn có thể ngã ngựa, đấy là lúc người chăm như chúng ta nhận thành quả. Hãy biết lựa chọn điều quan trọng nhất để làm chứ không phải làm tất cả. Và nhớ một điều rằng: “Ít hơn là nhiều hơn”.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm