Quản trị

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính "bán ế" 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: "Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến"

0 bài phỏng vấn, tất cả thông tin liên quan gắn với ông Hải là những nhận định về thị trường trái cây, hoa quả - lĩnh vực người đàn ông 7X theo đuổi gần hai thập kỷ.

Suốt gần 15 năm khởi nghiệp, ông Hải "ngại" xuất hiện trên báo chí, truyền thông, bởi suy nghĩ "hành động tốt, hơn nghìn lời nói". Thời gian sau này, ông cởi mở hơn trong việc cung cấp các thông tin về thị trường hơn, nhưng vẫn ngại chia sẻ về mình.

Trong bài phỏng vấn hiếm hoi với ông Nguyễn Xuân Hải, nhà sáng lập 7X cho biết, vài năm nay ông nghĩ nhiều hơn đến việc cần chia sẻ. Bởi chính ông được truyền cảm hứng khởi nghiệp nhờ những lời động viên, đã va vấp đủ lâu để thấy những mảng sáng và tối trong kinh doanh và "biết đâu đó ngoài kia, các bạn trẻ cũng đang phải giải những bài toán giống mình".

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 1.

* PV: Chào ông Hải. Cách đây 15 năm, bối cảnh xã hội hoàn toàn khác hiện nay: GDP chỉ bằng 1/3 hiện nay, khái niệm về hoa quả nhập khẩu là thứ gì xa xỉ… Tại sao ông quyết định chọn khởi nghiệp với cây nhập khẩu?  

- Ông Nguyễn Xuân Hải: Từ những năm 2005, người Việt có ám ảnh ghê gớm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều người rất sợ hãi trước câu chuyện một luống rau của nhà ăn và một luống rau đi bán. Hay có những quả táo, lê màu đỏ au, để cả tháng vẫn tươi nguyên. Ám ảnh đó khiến nhiều người không dám ăn trái cây.

Xuất phát từ thực tế này, tôi nảy ra ý tưởng bán một sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với cam kết "cái gì mình ăn được, con trai mình ăn được mới bán". Năm 2005, ý tưởng mở cửa hàng Klever Juice bán các loại nước ép trái cây có lợi cho sức khỏe ra đời.

Tháng 3/2005, tôi mở cửa hàng nước ép trái cây có lợi cho sức khỏe đầu tiên tại BigC Thăng Long. Sau đó, nhân rộng mô hình lên 12 cửa hàng tại TTTM ở cả Hà Nội và TP HCM.

Thời điểm ấy, tôi rất thích làm các loại nước ép bưởi nên đã vào Đồng bằng sông Cửu Long thương thảo, gặp Chủ nhiệm hợp tác xã để lấy bưởi Năm Roi đi phân phối. Họ đồng ý nhưng ra điều kiện: Nhập tối thiểu 10 tấn.

Thế nhưng, tuần đầu tiên bán nước ép bưởi, tôi tiêu thụ 100kg. Con số khiêm tốn so với 10 tấn nguyên liệu thành phẩm đã nhập. Lúc này, tôi phải tìm cách bán sao hết 10 tấn bưởi, bởi nếu để hỏng thì rất phí. Có sẵn 12 cửa hàng nước ép, nhưng tôi không thể bán trong đó vì các cam kết với siêu thị và các trung tâm thương mại từ đầu là chúng tôi không được bán trái cây thành phẩm, chỉ được bán nước ép.

Một cơ duyên khác lúc đó, tôi đi qua phố Sơn Tây – Hà Nội, thấy cửa hàng số 80 phố Sơn Tây bỏ trống. Tôi và vợ hỏi giá thuê và phải trả tới 20 triệu đồng một tháng. Chúng tôi bắt đầu mở cửa hàng bán bưởi, vẽ một logo to hình quả bưởi với dáng dấp của Klever Fruit hiện tại.

Bán trong hai tuần, tôi biết mình không thể phân phối hết số bưởi. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nhiều người đi xe máy có tạt qua hỏi về cherry, táo, nho nhập khẩu… Tôi phát hiện ra có một thị trường tiềm năng với các loại trái cây mới lạ.

Về nhà, tôi tìm hiểu cửa hàng bán trái cây ôn đới như nho, cherry… thấy không có quá nhiều mô hình. Hồi đó, trái cây nhập khẩu chủ yếu được nhập khẩu nhỏ lẻ và rất ít về chủng loại và số lượng.

Sẵn vốn tiếng Anh, tôi lên Yahoo! tìm và đàm phán để nhập hoa quả từ một doanh nghiệp trái cây bên Mỹ. Sau nhiều email qua lại, họ đồng ý xuất hàng nhưng phải nhập tối thiểu 600kg nho, trả toàn bộ tiền trước. Tôi nhớ lúc đó khoảng 100 triệu đồng, một khoản tiền lớn ở thời điểm 15 năm về trước.

Khi có 600kg nho ở cửa hàng, nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ nổi, loay hoay tìm cách bán cho bằng hết số nho đã nhập. Tôi làm chương trình, cho khách hàng ăn thử, gọi điện giới thiệu sản phẩm mới cho họ. Khi khách mua hàng, tôi tiếp tục gọi điện để hỏi về trải nghiệm của họ.

Sau này, nhiều người nói với tôi, lần đầu họ có trải nghiệm như vậy. Mua trái cây nhưng lại được hỏi có hài lòng không, có hạnh phúc không. Sau khoảng hai tuần, nhờ các chương trình đó, tôi bán hết 600kg nho, đồng thời, đặt những viên gạch đầu tiên cho Klever Fruit. Thật sự tôi đã rất may mắn.

* Từng du học về tài chính ứng dụng và chứng khoán – các ngành không liên quan nhiều đến bán lẻ, ông thấy mình liều lĩnh không khi dấn thân vào một địa hạt mới?

- Tôi từng hỏi cậu mình, ông là chủ của một doanh nghiệp lớn rất thành công, rằng: 'Liệu có thể thành công nếu làm một lĩnh vực mình không biết gì?'

Cậu tôi nói: 'Ban đầu, cậu cũng không biết gì. Không ai biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nhưng khi yêu thích và tìm hiểu liên tục về nó, đến một ngày, cháu sẽ trở thành chuyên gia trong ngành, thậm chí, chuyên gia cao cấp hẳn hoi'.

Thời trước, tôi làm cho cơ quan Nhà nước, rồi may mắn được học bổng Chính Phủ AusAID du học Australia về ngành Tài chính ứng dụng rồi sau học Thạc sĩ cấp cao về quản trị tài chính. Sau đó, tôi về VCCI, làm công việc liên quan đến kinh tế vĩ mô, tháp tùng các đoàn ngoại giao đi công tác nước ngoài. Nhờ đó, tôi được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, được truyền cảm hứng khởi nghiệp lớn.

Sau gần 10 năm làm Nhà nước, đến năm 2005 tôi nghỉ việc và khởi nghiệp. Khi mới làm, tôi thiếu hoàn toàn thông tin. Tôi liên tục phải tìm kiếm những thứ mình không biết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Có cơ hội đến nhà vườn, tôi hỏi rất nhiều. Lần đầu đi công tác nước ngoài về quy trình trồng, xuất khẩu trái cây vào năm 2011, tôi thực sự bị kích động. Tôi đến vườn táo, rồi nho, nói chuyện với những người nhà bốn đời làm nông dân. Đến New Zealand, tôi hỏi làm cách nào để biết hoa quả họ trồng là sạch, đảm bảo an toàn. Họ dẫn tôi ra vòi nước tưới cây, mở nước và uống. Nói thế để thấy, tất cả nguồn nước, quy trình của họ đều đạt chuẩn, hoàn toàn có thể sử dụng trực tiếp vào cơ thể.

Đến giờ, tôi vẫn không ngừng học, tìm hiểu kiến thức về trái cây và kinh doanh nói chung. Tôi có thể nói chuyện với các bạn hàng giờ về chủ đề này mà không biết chán hay mệt mỏi. Tôi biết, khi bắt đầu bằng con số 0, nếu tìm hiểu, dành thời gian cho nó, mình có thể trở thành số 2, số 3, thậm chí là điểm 10.

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 2.

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 3.

* Khi có niềm tin, nhiều khách hàng mới chấp nhận bỏ một số tiền không nhỏ để thưởng thức hoa quả với mức giá trung bình - cao của Klever Fruit. Nhưng trước đó, ông làm thế nào để tạo niềm tin cho họ?

- Ban đầu, tôi loay hoay lắm. Rõ ràng mình làm thật, nhưng không thể bắc loa lên và nói với cả thế giới về điều đó. Ban đầu, chúng tôi treo giấy tờ gốc chứng nhận sản phẩm nhập khẩu theo quy định pháp luật tại cửa hàng, nhưng khách hàng không tin, vì theo họ, giấy tờ có thể photoshop giống hết.

Lúc đó, vừa kinh doanh, tôi vừa phải tìm cách chứng minh mình trung thực. Tháng 7/2012, tôi đã tổ chức Lễ hội Cherry Washington tại cửa hàng thứ hai ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Khi ấy, khách hàng đến trải nghiệm sản phẩm rất đông. Báo chí cũng đến lan tỏa.

Một tuần sau, tôi nhận điện thoại của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Họ nói sẽ có Tham tán Nông nghiệp - bà Jeans Bailey đến cửa hàng thăm và trải nghiệm sản phẩm. Tôi vẫn còn nhớ như in bà Bailey đã ngạc nhiên thế nào khi đến đúng lúc cửa hàng đang nhập cherry từ xe tải lạnh.

Từ giây phút đó, chúng tôi thấy bà được thuyết phục khi "mắt thấy, tai nghe" về một cửa hàng bảo quản và bảo quản thật trân trọng những trái cherry, để chất lượng khi hái tới tay người tiêu dùng Việt Nam vẫn đảm bảo như tại quê hương bà cách đúng nửa vòng trái đất.

Chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn về việc xây dựng lòng tin và ngỏ lời liệu bà có thể ký xác nhận chúng tôi đang kinh doanh được nhập khẩu chính hãng ở Hoa Kỳ hay không? Bà Jeans Bailey nói, cơ quan Đại sứ không có chức năng để ký các giấy tờ như vậy. Nhưng theo bà việc bà đại diện cho Đại sứ quán xuất hiện ở cửa hàng Klever Fruit là một minh chứng rõ ràng về tính chính thống của các sản phẩm. Chúng tôi có thể truyền thông tại cửa hàng, hay trên mạng xã hội về việc này.

Nhờ đó, sau này chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp với nhiều Đại sứ quán, Hiệp hội, nhà trồng tại nhiều nước trên thế giới để quảng bá các sản phẩm của họ tại Việt Nam. Điều này mang lại niềm tin cho người tiêu dùng với Klever Fruit, đồng thời hỗ trợ hiệu quả các nước bạn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam.

Tôi nhận ra, cứ làm thật đi rồi cái duyên sẽ đến, có thể hơi lâu một chút nhưng để định vị bản thân và có niềm tin từ người dùng không thể đốt cháy giai đoạn.

* Làm một phép toán, hiện tại giá niêm yết trên website của Klever Fruit với nho Shine Muscat từ 1,2 triệu đến 4 triệu đồng, khoảng 50 USD–150 USD. Con số này bằng 1/3 so với thu nhập bình quân đầu người/tháng của người Việt Nam năm 2023. Khi đã giải quyết được thách thức về niềm tin, ông tiếp tục đối diện với bài toán về giá bán ra sao?

- Nho Shine Muscat là một trong những sản phẩm cao cấp nhất của cửa hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn những sản phẩm có giá thành phải chăng và dễ mua hơn.

Tuy nhiên, trở lại câu chuyện về giá, khi kinh doanh bất kỳ ngành nào, chúng ta cũng cần xét đến câu chuyện định vị thị trường. Sản phẩm của Klever Fruit được định vị ở phân khúc tương đối cao cấp. Hiện giá của Klever Fruit hiện tại vẫn cao nhưng tôi tuyệt đối không hy sinh chất lượng để có giá tốt.

Song song với nhóm khách hàng cao cấp, chúng tôi đang nghiên cứu để có cách tiếp cận tốt hơn với khách hàng bình dân. Tuy là hàng bình dân, vẫn đề về dinh dưỡng, vệ sinh không kém cạnh hàng cao cấp, chỉ có mẫu mã thấp hơn một chút. 

Bởi sau nhiều năm, tôi phát hiện ra rằng một vườn có sản lượng 1 tấn thì chỉ có khoảng 100kg quả loại xuất sắc về cân nặng, màu sắc, độ đường, giòn, 200-400kg là chất lượng vừa phải, phần còn lại là sẽ là quả nhỏ, màu sắc không rực rỡ, độ đường kém hơn. Với nhóm cuối này, về cơ bản chất lượng dinh dưỡng tương đương, song hình thức thì chưa bắt mắt nên giá thành chỉ bằng 50% hoặc 60%.

* Trên các tuyến phố "vàng" hiện nay đều có cửa hàng của Klever Fruit, thậm chí có nơi khách hàng chỉ cần đi 2-3 km lại bắt gặp một điểm bán trái cây nhập khẩu của ông. Ông lựa chọn điểm bán hàng theo tiêu chí nào?

- Tôi vẫn giữ nguyên tâm nguyện ban đầu, cái gì có lợi nhất cho khách hàng tôi sẽ làm. Tôi muốn lựa chọn địa điểm nào để Klever Fruit luôn hiện hữu trong tầm mắt của họ, khách chỉ cần tấp vô lề có thể mua hàng của mình luôn.

Khi mình nhìn thấy một vị trí đắc địa, người khác cũng sẽ nhìn thấy. Giá thuê các địa điểm này cũng thường cao. Do đó, hiện nay, chúng tôi còn mở rộng kênh phân phối online, gần 50% doanh thu của Klever Fruit đến từ kênh này. Khi lên online, lại là một câu chuyện khác.

Ngày xưa, lợi thế của mình là cửa hàng to, đẹp, ở vị trí trung tâm. Nhưng hiện nay, nó có thể lại là bất lợi bởi giá thành thuê sẽ cao. Giờ nhiều người ở trên một căn chung cư thôi, nhưng doanh thu của họ bằng cả cửa hàng trong khi họ không phải trả thuế, không chịu các chi phí cơ sở hạ tầng bảo quản chuỗi lạnh... Nếu không thay đổi kịp, lợi thế ngày trước có thể trở thành bất lợi với mình ngay. Đôi lúc phải phủ định lại mình. Đừng nghĩ đã có thế mạnh thì không dám đổi mới, không thoát ra khỏi vùng an toàn. 

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 4.

Đối diện với khó khăn này mình phải làm thế nào? Tôi quyết định làm nhiều chương trình hơn, khuyến mãi nhiều hơn. Khi một khách hàng đến cửa hàng, mình phải tạo ra cái gì khác biệt cho họ. Tôi nhấn mạnh yếu tố entertainment (giải trí). Trải nghiệm ở cửa hàng phải khác trải nghiệm trên mạng, để hôm nay họ mua online, ngày mai thích họ lại đến cửa hàng.

Giờ chúng tôi kinh doanh kiểu O to O, online to offline. Sắp tới, Klever Fruit sẽ thiết kế lại cửa hàng. Với mô hình mới, khách hàng có thể đến trải nghiệm, thích thú hơn.

* Ông làm cách nào để hoa quả đến tất cả 55 cửa hàng đều đạt chất lượng đồng nhất?

- Câu hỏi này gợi nhớ lại cả một cuộc hành trình của chúng tôi. Không phải sau một đêm ngủ dậy là chúng tôi đã có 55 cửa hàng. Cửa hàng đầu tiên tôi mở vào tháng 9/2009. Khi đó, chúng tôi nói với nhau, chỉ mở cửa hàng thứ hai sau khi xác định được rõ ràng ra mô hình kinh doanh thí điểm của cửa hàng thứ nhất.

Trong một năm đầu, chỉ cần rảnh là tôi ra cửa hàng, cân hàng, bán hàng cho khách và nói chuyện với họ rất nhiều. Tôi thấy khách có nhiều mong muốn và doanh nghiệp cũng còn nhiều vấn đề. Tôi bắt đầu xây dựng bộ quy trình riêng cho từng công đoạn, từ vận chuyển, bán hàng, giải quyết khiếu nại… Tất cả đều được tổng hợp lại. Trong cả chuỗi cung ứng, từ đầu mua đến bán, tôi đều phải kiểm soát toàn bộ để không có mắt xích nào bị hỏng. Các quy trình này đều được kiểm tra, cập nhật liên tục theo các thay đổi của thị trường.

Nhờ các quy trình đồng nhất, hoa quả được xuất, nhập hoàn toàn bằng quy trình lạnh nên luôn đảm bảo được sự tươi ngon. Khi đã có quy trình, tôi mở số lượng của hàng rất nhanh, thậm chí 2-3 của hàng trong một tháng.

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 5.

* Việt Nam là một đất nước nhiệt đới với nhiều loại trái cây phong phú, giá rẻ. Ông làm cách nào để thuyết phục khách hàng thử và mua sản phẩm hoa quả nhập khẩu Klever Fruit cung cấp?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ, các sản phẩm trái cây nhập khẩu cạnh tranh với hàng nội địa. Nó phối hợp bù trừ cho nhau. Bởi có những sản phẩm ôn đới như táo, nho, cherry, nước mình không trồng được. Hoặc nếu có, sản lượng thu được ít, hương vị cũng khác. Mỗi đất nước sẽ có mùa vụ, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên hương vị trái cây cũng rất riêng biệt.

Bên cạnh đó, tôi kinh doanh trái cây xuất phát từ nhu cầu thị trường nên không cần phải chứng minh sản phẩm của mình tốt như thế nào. Tôi rất khó để chứng minh táo hay lê ngon hơn xoài, hay chôm chôm, mận vị khác cherry ở điểm nào. Nhiều khách hàng họ ăn mãi hoa quả nhiệt đới cũng chán, nên muốn "đổi gió" sang các loại sản phẩm ôn đới. Khi khách hàng có nhu cầu, rất tự nhiên các sản phẩm trái cây nhập khẩu vào và tồn tại trong thị trường Việt Nam.

Cho đến nay, điều tôi vui nhất là đã phát triển thêm các dòng sản phẩm của Việt Nam với chất lượng xuất khẩu tại hệ thống Klever Fruit. Các mặt hàng Sầu riêng Monthong, Ri6 chín cây, Dưa giống Nhật Musk Melon, Xoài Cát Hòa Lộc nhanh chóng trở thành biểu tượng của Klever Fruit, bởi đảm bảo yếu tố sạch và chỉ dành cho xuất khẩu sang các thị trường các nước phát triển.

* Lợi thế cạnh tranh của Klever Fruit so với các đối thủ trên thị trường hiện nay là gì, thưa ông?

- Chúng tôi tập trung vào thị trường trái cây cao cấp. Thế nhưng, để định vị được thương hiệu của mình ở phân khúc cao cấp không dễ.

Đầu tiên, tôi định vị phân khúc của mình gắn với trải nghiệm của khách hàng. Chẳng hạn, ở Klever Fruit, chúng tôi có chương trình đổi trả hàng trong vòng 48 giờ, một số trường hợp lên tới 72 giờ.

Chương trình này xuất phát từ việc, có những khách hàng đi mua quà biếu, tặng nhưng lại không gặp được người muốn tặng quà. Họ không thể mang sản phẩm về ăn vì hoa quả nhập khẩu cũng khá đắt tiền. Do đó, tôi có ý tưởng về chương trình "Bảo hành trái cây". Chỉ cần khách hàng không thích, chưa sử dụng, không hợp khẩu vị… mặc dù trái cây không có vấn đề gì về chất lượng cả, chúng tôi đổi hoặc hoàn tiền luôn, không cần lý do.

Một lợi thế khác đến từ sản phẩm. Hiện có rất nhiều loại sản phẩm na ná nhau trên thị trường, nhưng Klever Fruit chỉ phân phối hàng tuyển. Tức là cả một vườn cây, chúng tôi sẽ lọc ra những sản phẩm nằm ở top 10-15 % của vườn đó.

Thật tình, tôi không muốn nói quá nhiều về sự khác biệt. Sự khác biệt của Klever Fruit nên để khách hàng đánh giá, bởi họ là những người công tâm và là đối tượng thụ hưởng sản phẩm.

* 15 năm trước, có thể Klever Fruit là một trong số ít cung cấp sản phẩm hoa quả nhập khẩu. Nhưng nay lợi thế đó không còn. Ông có sợ đối thủ cạnh tranh, thị trường bão hòa?

- Trong kinh doanh, mình đừng ghét đối thủ cạnh tranh. Nhiều lúc, có thể họ bắt chước mình. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, mình phải làm đúng họ mới theo. Nếu họ theo, mình sẽ tiếp tục thay đổi tiếp. Cạnh tranh thúc đẩy mình thay đổi liên tục. Cạnh tranh sẽ là mãi mãi. Nếu không cạnh tranh, tôi sẽ không có cửa hàng nữa. Không cạnh tranh, tôi sẽ dừng lại.

Nhưng tôi không thể cạnh tranh với tất cả thiên hạ. Tôi học từ họ, điều này giúp chúng ta có mô hình chặt chẽ hơn. Mình cần thay đổi như thế nào để tốt hơn. Và ngay cả khi bản thân tốt hơn rồi, thị trường sẽ lại có cải tiến. Hãy làm cách nào để học hỏi họ mỗi ngày. Kinh doanh là một trò chơi rất hay, làm con người không ngừng học hỏi, sắc sảo hơn.

 

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 6.

* 15 năm bán trái cây nhập khẩu cao cấp, thị hiếu của người Việt với sản phẩm này thay đổi ra sao?

- Đầu tiên, theo sự phát triển của khoa học công nghệ, thị hiếu của khách hàng đi từ giống gốc truyền thống đến các giống lai tạo. Những giống lai tạo có màu sắc đẹp hơn, ngon hơn, khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người Việt đang được nâng lên rất cao. Các bạn Úc, Mỹ nói chuyện với tôi cũng bất ngờ vì điều này. Tại sao? Bởi người Việt Nam họ đã chứng kiến nhiều vụ ngộ độc, họ sẽ bị giật mình. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, chính họ cũng tạo ra ảnh hưởng đến bố mẹ.

Thứ ba, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, họ thường là người sẽ quyết định cả gia đình ăn gì.

* Klever Fruit làm gì để thích nghi với những thay đổi đó?

- Chúng tôi đang đi tiên phong các sản phẩm mới. Mới ở đây là các sản phẩm lai tạo và thị trường mới. Chúng tôi đặt ra cho mình sứ mệnh: Cái gì ngon nhất của thế giới mang về Việt Nam. 

Bên cạnh đó, là về vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là sứ mệnh của chúng tôi ngay từ khi startup nên không hề khó. Trong tất cả các bài giảng, training, thông điệp trên truyền thông… tôi lấy đó làm trọng tâm, chứ không phải lợi nhuận. Cứ bình tĩnh lợi nhuận sẽ đến sau. Thậm chí, lợi nhuận cao nếu bạn giải quyết được vấn đề xã hội.

Chúng tôi tập trung cho đối tượng nhiều hơn là phụ nữ bởi họ có thiên chức che chở và bảo bọc. Họ rất chi tiết, ham học hỏi, muốn lắng nghe, nên chúng tôi cung cấp thông tin cho họ. Chúng tôi bán đúng nhu cầu của khách hàng và cung cấp thông tin để khách hàng có lựa chọn phù hợp.

* Nhìn lại hành trình gần 2 thập kỷ khởi nghiệp của mình, ông tự hào điều gì?

- Tôi muốn thay đổi phong cách sử dụng trái cây của người Việt Nam theo hướng tốt nhất cho sức khỏe. Nhiều người hiện nay vẫn có thói quen ăn cơm xong là ăn trái cây ngay lập tức. Nhưng điều này không đúng, 20 phút sau đó mới là thời gian lý tưởng. Mọi người ăn táo hay gọt vỏ vì sợ thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, vỏ táo chứa những cái tốt nhất.

Dần dần, bằng cách cung cấp sản phẩm tốt, kèm theo các thông tin cơ bản, dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Klever Fruit hy vọng phong cách ăn trái cây của người Việt phần nào có thể thay đổi.

Tôi cũng đã tạo ra một concept mới trong ngành trái cây – đưa hoa quả vào cửa hàng được bảo quản theo quy chuẩn. 15 năm qua, bản thân doanh nghiệp cũng giúp làm phong phú thêm cho thị trường quà biếu, quà tặng trái cây Việt Nam. Tôi muốn người Việt có thể hình thành thói quen tặng quà mang lại giá trị tốt cho sức khỏe.

Founder Klever Fruit – Thạc sĩ tài chính 'bán ế' 10 tấn bưởi Năm Roi thành ông chủ chuỗi 55 cửa hàng trái cây nhập khẩu: 'Cứ làm tử tế, lợi nhuận sẽ đến'- Ảnh 7.

Nội dung: Thảo Vân 

Thiết kế: Hải An 

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm