Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, điều này giúp các ngân hàng trung ương trên thế giới tự chủ hơn trong việc cắt giảm lãi suất dựa trên tình hình mỗi nước. Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương đã theo chân Fed trong việc tăng lãi suất, dù mức độ thắt chặt tiền tệ thấp hơn nhiều.
Trong bối cảnh này, Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia đi ngược chiều lãi suất với Fed khi giảm nhiều lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Do đó, tác động của động thái lần này đối với kinh tế Việt Nam cũng không nhiều. Thời gian qua, đồng VND tương đối ổn định so với đồng USD và chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng chủ động độc lập.
Ngân hàng Nhà nước chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; hỗ trợ phục hồi kinh tế.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - nêu quan điểm: Tuy không tác động nhiều nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Việc Fed giữ nguyên lãi suất cho thấy lạm phát tại Mỹ đã có phần hạ nhiệt sau thời gian duy trì ở mức "đỉnh" khá lâu.
Điều này khiến các nước kỳ vọng thời gian tới Fed sẽ kiểm soát được lạm phát và đây là nền tảng ban đầu để hạ lãi suất, qua đó kích thích tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
"Nếu thời gian tới Fed hạ lãi suất sẽ tạo ra sự hứng khởi với nhiều nền kinh tế và Việt Nam cũng không ngoại lệ vì đỡ chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất hơn" , ông Bình nói.
Cũng theo chuyên gia, động thái của Fed đã phần nào làm giảm nhiệt đồng USD, trong bối cảnh vẫn còn neo rất cao hiện nay. Đầu giờ sáng 13/6 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt) vào đầu phiên giảm xuống 104,4 điểm, từ mức trên 105 điểm trước đó.
" Đây cũng là tín hiệu tốt cho hoạt động nhập khẩu của Việt Nam, dự báo giá cả nguyên vật liệu trên thế giới sẽ giảm. Những mối lo trước đây như nhập khẩu lạm phát sẽ giảm đi, qua đó kéo theo giảm bớt áp lực của tỷ giá hối đoái. Về lý thuyết, nhập khẩu lạm phát xảy ra khi giá nhập khẩu (tức giá mua hàng từ nước ngoài) và tỷ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh ”, ông Bình phân tích.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là phụ thuộc vào sự điều chỉnh lãi suất của chúng ta thời gian tới như thế nào, chính sách kiểm soát tỷ giá hối đoái ra sao để ứng phó một cách chủ động, linh hoạt trước những biến đổi của Fed và các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.
Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế quý II/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB mới đây đã bày tỏ sự lạc quan về thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2024 với lãi suất điều hành được duy trì ở mức thấp.
Các chuyên gia của UOB phân tích, thay vì thay đổi lãi suất, NHNN Việt Nam đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Hướng dẫn mới nhất của NHNN đưa ra (ngày 31/5) nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng 5 - 6% vào cuối quý II/2024 và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%, thông qua thủ tục cho vay đơn giản hóa, các biện pháp tiết kiệm chi phí và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
“ Với các hoạt động đang được cải thiện, tỷ lệ lạm phát dao động ngay dưới mục tiêu, cũng như những lo ngại về đồng nội tệ, khả năng hạ lãi suất đã giảm đi. Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản. Do đó, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như các biện pháp hỗ trợ khác ”, Ngân hàng UOB nhận định.
Cũng bàn luận về việc Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này không nằm ngoài dự đoán, trước đó, nhiều chuyên gia đã dự báo Fed chỉ hạ lãi suất 1 lần vào tháng 9 hoặc cuối năm 2024.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu ra 2 lý do khiến Fed chưa giảm lãi suất tại thời điểm này.
Thứ nhất, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, khoảng 3%, còn cách xa mục tiêu 2% của Mỹ. Điều này khiến Fed chưa thực sự hài lòng, mặc dù Mỹ đã giảm mức lạm phát từ 9% vào năm 2022 xuống 3% như hiện nay.
Thứ hai, dù tăng trưởng còn thấp nhưng tỷ lệ người thất nghiệp tại Mỹ cũng thấp nên Fed không vội giảm lãi suất để không làm "nóng" nền kinh tế thái quá, trong khi nền kinh tế đang vận hành ở mức khả quan.
Fed ngày 12/6 đã ra thông báo giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở biên độ từ 5,25% đến 5,5%. Đây là lần thứ 7 Fed giữ nguyên mức lãi suất này, mức cao nhất trong vòng 23 năm qua.
Các quan chức ngân hàng Trung ương Mỹ dự tính lạm phát trong năm 2024 sẽ ở mức 2,6%, cao hơn mức 2,4% được dự báo hồi tháng 3 vừa qua. Fed dự tính lạm phát sẽ giảm xuống 2,3% trong năm tới và về mức mục tiêu 2% trong năm 2026.
Fed cuối năm ngoái từng dự báo có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024, tuy nhiên, với thông báo ngày 12/6, cơ quan này dự định sẽ chỉ giảm 1 lần vào cuối năm và ở mức 0,25%.