Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng trong năm kinh tế Việt nam 2023 gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đáng chú ý, dòng vốn FDI từ Trung Quốc tăng cao trở lại.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI từ Trung Quốc (gồm cả Hong Kong và Đài Loan) năm 2023 đạt 12,03 tỷ USD, gần bằng mức cao kỷ lục năm 2019 (13,76 tỷ USD). Trước đó trong ba năm liên tiếp (2020, 2021 và 2022), dòng vốn này chỉ khoảng 6-6,5 tỷ USD.
Dự án FDI lớn nhất từ Trung Quốc trong năm 2023 đầu tư ở tỉnh Quảng Ninh.
Cuối tháng 10/2023, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, công ty con của Jinko Solar Holding - tập đoàn sản xuất tấm quang năng đến từ Trung Quốc.
Hải Dương trong năm 2023 cũng thu hút thêm hai dự án của doanh nghiệp Trung Quốc, tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Dự án đầu tiên của Tập đoàn Deli (Trung Quốc), sản xuất văn phòng phẩm, có tổng mức đầu tư đăng ký 270 triệu USD, đặt tại khu công nghiệp Đại An mở rộng.
Dự án thứ hai là đề xuất của công ty BoViet thuộc Tập đoàn BoWay (Trung Quốc), đầu tư nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD.
Một địa phương khác cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc là tỉnh Nghệ An. Hồi tháng 8/2023, tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam. Đây là dự án của nhà đầu tư Greenwich Management Limited, thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc).
Dự án có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An), với diện tích gần 12ha.
Trước đó tháng 7 cùng năm, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy với tổng vốn đăng ký đầu tư 293 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng).
Năm 2023 cũng là năm một số biên bản ghi nhớ được ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt.
Hồi tháng 9/2023, CTCP Tập đoàn N&G (N&G Group), Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) và đoàn doanh nghiệp Thượng Hải (Trung Quốc) cùng nhau thống nhất ký thỏa thuận về việc hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, đầu tư tài chính cho các khu công nghiệp của N&G Group để hình thành phát triển Tổ hợp sản xuất Techno Park.
Tổ hợp sản xuất Techno Park được xây dựng hướng tới mục tiêu thu hút các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc và quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.
Tháng 12/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Công ty TNHH công nghệ Qtech (Trung Quốc). Doanh nghiệp này đang muốn đầu tư nhà máy sản xuất quang học điện tử tại tỉnh Nghệ An với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 430 triệu USD.
Hồi tháng 6/2023, Reuters đưa tin hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng mới và mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Trong đó, Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, với quy mô khoảng 300 triệu USD.