Chứng khoán

NĐT chứng khoán cần lưu ý gì khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài?

VN-Index, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán, đã tăng tích cực trong 3 tuần đầu năm (đến 19/1). Tuy nhiên, tâm lý trên thị trường có dấu hiệu chùng xuống khi thanh khoản liên tục hạ nhiệt trong các phiên của tuần thứ ba. Một số ý kiến cho rằng thị trường có thể bước vào giai đoạn “ăn tết sớm”.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC đã đưa ra những nhận định và khuyến nghị cần thiết cho giai đoạn này.

-Ông có thể đánh giá ngắn gọn về diễn biến thị trường chứng khoán giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2024? Liệu thanh khoản sẽ suy giảm bởi tâm lý “ăn tết sớm”?

Ông Trần Đức Anh: Thông thường giai đoạn 2-3 tuần trước kỳ nghỉ lễ tết âm lịch kéo dài sẽ xuất có hiệu ứng nghỉ lễ, khi đó giao dịch trên thị trường khá “uể oải”, thanh khoản giảm. Xét về mặt thông tin, điều này hoàn toàn phù hợp khi trước tết thường không xuất hiện những thông tin nào có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.

Thời điểm hiện tại, ngoài kết quả kinh doanh quý IV/2023, chưa có thêm thông tin nào có thể tạo nhiều tác động lên thị trường. Một số cổ phiếu có câu chuyện riêng vẫn có thể diễn biến khác biệt, song nhìn chung thanh khoản thị trường sẽ khá yếu.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh của DSC. Ảnh: NVCC.

Ông Bùi Văn Huy: Nhìn chung hầu hết các năm, thị trường thường giao dịch tương đối ảm đạm và thanh khoản kém vào giai đoạn cận tết âm lịch. Đó là diễn biến rất bình thường khi trong một kỳ nghỉ lễ kéo dài (thường là 1 tuần), có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới sẽ xảy ra, và thực sự rất khó lường.

Nếu đó là những sự kiện xấu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ rất bị động. Do đó, lực bán hạ tỷ trọng là rất bình thường. Thêm một lý do nữa là trong tuần nghỉ Tết, dù không giao dịch nhưng các vị thế vay margin vẫn chịu lãi vay, nên thường các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao sẽ thường hạ bớt áp lực.

Nếu kỳ nghỉ lễ “êm ả” và không có sự kiện, thông tin xấu gì, sau đó thị trường sẽ tăng trở lại trong những phiên đầu xuân. Đây là kết quả tưởng thưởng trả cho phần bù rủi ro của các nhà đầu tư đã nắm giữ qua tết. Thị trường cũng sẽ thường có sóng sau Tết Nguyên đán nếu bối cảnh thuận lợi với khí thế đầu năm.

Tuy nhiên có một điều lưu ý là gần tết các năm nhuận 2008, 2012, 2016 và 2020, dù chỉ có thể là ngẫu nhiên và chưa trở thành mẫu hình nhất quán, khi tết đến trễ, thường có một đợt giảm của thị trường thời gian cận tết. Đây là một quan sát thú vị. 

-Dự báo VN-Index sẽ diễn biến như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Huy: Hiện tại tâm lý thị trường trong trạng thái tương đối tốt, bất chấp những biến động có vẻ như khó lường trở lại của thị trường chứng khoán thế giới. Do đó vẫn có thể kỳ vọng một thị trường giao có thể giao dịch. Kháng cự gần nhất của thị trường quanh vùng 1.200 điểm và đó có thể là mục tiêu đầu tiên mà nhiều người tham gia thị trường cùng hướng đến.

Hiện tại tôi vẫn tin vào những kịch bản lạc quan nhưng sẽ không nhìn quá xa vì có nhiều điều bất định trong bối cảnh hiện tại và cần cập nhật liên tục. Tôi cởi mở với mọi kịch bản và kháng cự trước tiên là theo dõi xem thị trường có lên được 1.200 điểm sau tết hay không đã.

Ông Trần Đức Anh: VN-Index dự báo sẽ dao động biên độ 3% quanh vùng giá hiện tại (chỉ số kết phiên 17/1 tại 1.163 điểm). Thanh khoản thị trường rơi vào khoảng 10.000-14.000 tỷ đồng/phiên. Đây là mức khá thấp nếu so với khoảng 2 tuần trước có những phiên trên 20.000 tỷ đồng.

-Những thông tin, sự kiện nào mà nhà đầu tư cần chú ý vào giai đoạn này?

Ông Bùi Văn Huy: Đối với thị trường chứng khoán thế giới, chủ đạo vẫn là quan sát Mỹ và châu Á. Với Mỹ, sự kiện quan trọng ai cũng ngóng chờ là lịch họp của Fed vào cuối tháng 1. Nhiều kỳ vọng về việc sẽ nhiều lần hạ lãi suất trong năm 2024 có thể sẽ được xác nhận trong các kỳ họp tới của tổ chức này. Tuy nhiên cũng có nhiều dấu hiệu bất ổn nhất định trên thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là sau dữ liệu lạm phát tháng 12 của Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ và sức mạnh đồng Dollar đang tăng đáng kể trở lại.

Đối với châu Á, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước lân cận đang có tín hiệu xấu. Trung Quốc tiếp tục rơi nhanh do số liệu kinh tế xấu, trong khi đó Hàn Quốc lại gặp nhiều vấn đề về trái phiếu và nợ cá nhân. Những ví dụ của các thị trường này có ý nghĩa tham khảo nhất định cho kỳ vọng vĩ mô 2024 của Việt Nam.

Trong nước, thông tin đáng chú ý xoay quanh kỳ họp Quốc hội bất thường lần 5 xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cùng với đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được công bố.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV. Ảnh: NVCC.  

Ông Trần Đức Anh: Như đã đề cập, đáng chú ý giai đoạn này là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023, trong đó đặc biệt là số liệu của nhóm ngân hàng. Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng trong Big4 đã đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh khá tích cực.

Tuy vậy, chúng ta cần chờ đợi báo cáo ra đầy đủ mới có thể đánh giá toàn diện bức tranh kinh doanh toàn thị trường. Bên cạnh ngân hàng, một số lĩnh vực đáng chú ý khác là bán lẻ, bất động sản, thép... nếu có con số tăng trưởng hoặc giảm mạnh có thể gây ra những xáo trộn nhất định trên thị trường.

Về yếu tố bên ngoài, thị trường gần như chắc chắn với kịch bản Fed sẽ duy trì mức lãi suất như hiện tại (cho đến tết âm lịch), và không có động thái cụ thể nào cả. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất tại kỳ họp vào giữa tháng 3 tới.

Ngoài ra, các sự kiện xung đột địa chính trị như tại dải Gaza hay Biển Đỏ... sẽ tiềm ẩn tác động đến giá cước vận tải, giá dầu cũng như kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán.

-Đâu sẽ là một số ý tưởng đầu tư dài hạn và ngắn hạn lúc này, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Mùa báo cáo quý IV/2023 có sự khác biệt so với những kỳ trước khi có nền so sánh quý IV/2022 tương đối thấp tại nhiều nhóm ngành. Trong đó, một vài ngành có con số tăng trưởng đột biến kể đến như chứng khoán, thép, bán lẻ, đồng thời có thể xuất hiện những cơ hội đầu tư ngắn hạn.

Về cơ hội dài hạn, chúng ta cần theo dõi số liệu kết quả kinh doanh của một số ngành, như tại ngành ngân hàng hay bất động sản xem liệu đã chạm đáy hay chưa. Ví dụ tại ngành ngân hàng, nhà đầu tư cần bóc tách dữ liệu về nợ xấu đã cải thiện so với quý III/2023 hay chưa. Nếu đã đảo chiều, chúng ta có thể nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn. Định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn đang tương đối hấp dẫn, dù đã trải qua nhịp tăng vừa rồi. Tương tự với ngành bất động sản, chúng ta cần xem yếu tố khó khăn nhất các doanh nghiệp đầu ngành đã qua hay chưa.

Ngoài ra, các lĩnh vực xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp cũng đáng quan tâm nhờ các câu chuyện xuất khẩu cải thiện hay thu hút vốn FDI tích cực.

Ông Bùi Văn Huy: Đối với nhà đầu tư dài hạn, có lẽ yếu tố quan tâm nhất trong năm 2024 là kinh tế có phục hồi thuận lợi và lợi nhuận doanh nghiệp có tăng trưởng tích cực hay không. Nếu đi theo hướng này, các cổ phiếu chu kỳ có định giá hấp dẫn ở các nhóm ngành ngân hàng, sản xuất, bán lẻ, chứng khoán... sẽ có thể được cân nhắc. Những nhóm ngành này sẽ hưởng lợi khi kinh tế phục hồi. Nhóm bất động sản có thể được cân nhắc ở nửa sau năm 2024 nếu thị trường bất động sản có những tín hiệu khả quan.

NPL của nhóm ngân hàng đến quý III/2023. Nguồn: Ông Bùi Văn Huy.

 

Trong ngắn hạn, thị trường đã quá phân hóa và không hề “dễ chơi” chút nào. Để tham gia ngắn hạn, nhà đầu tư buộc phải tham gia vào các nhóm hút dòng tiền, theo nguyên tắc chung nhóm hút tiền sẽ có khả năng tiếp tục hút tiền.

-Lời nhắn nhủ nào gửi đến quý nhà đầu tư trước thềm Tết Nguyên đán?

Ông Trần Đức Anh: Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 với sự giảm điểm hơn 30% của VN-Index. Sáng 2023, chúng ta đã có sự hồi phục nhất định, tuy nhiên sự tăng trưởng của thị trường chỉ tập trung ở số ít cổ phiếu có tăng trưởng về kết quả kinh doanh, trong khi mặt bằng chung cổ phiếu không có diễn biến khả quan. Do đó, 2 năm 2022-2023 nhà đầu tư không tìm được lợi nhuận tích cực.

Tuy nhiên, bước qua 2024, thị trường được kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng. Do đó, tôi cho rằng diễn biến năm nay sẽ tích cực hơn và mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Điểm quan trọng là chúng ta cần tìm ra đúng nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng để giải ngân và kiên nhẫn chờ đợi kết quả kinh doanh tăng trưởng, cũng như sự phản ánh vào giá cổ phiếu.

Ông Bùi Văn Huy: Trong không khí năm mới, tôi và có lẽ tất cả nhà đầu tư sẽ luôn kỳ vọng một năm mới tốt đẹp và tài khoản chứng khoán gặt hái được nhiều lợi nhuận.

Tuy nhiên năm 2024 vẫn còn ở đó một số ẩn số lớn của nền kinh tế, chúng ta vẫn có quyền lạc quan nhưng không chủ quan và cần phải theo dõi cẩn trọng những biến số cả ở trong lẫn ngoài nước, ra quyết định dựa trên dữ liệu, bớt đi sự cảm tính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm