Theo Electronic Times, để thu hút đơn hàng sản xuất chip từ đối tác, nhiều công ty Trung Quốc như SMIC, Hua Hong Semiconductor, Nexchip hay Jinghe Semiconductor đã hạ giá nhằm giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút đối tác mới, đặc biệt là các công ty thiết kế vi mạch ở Đài Loan. Xu hướng này xuất hiện khi Trung Quốc mở rộng các nhà máy chuyên sản xuất chip trên quy trình nút trưởng thành vốn không chịu ảnh hưởng từ các lệnh cấm từ Mỹ.
Cũng theo nguồn tin, một số khách hàng của các công ty đúc chip như GlobalFoundries, PSMC, Samsung Foundry hay UMC đã hủy đơn hàng và chuyển sang các nhà máy của Trung Quốc. Họ cũng buộc phải điều chỉnh giá để níu chân đối tác, ngăn chặn việc hủy hợp đồng.
Trong đó, UMC và PSMC có trụ sở tại Đài Loan được cho là đã hạ giá để duy trì tính cạnh tranh. UMC đã gửi báo giá mới với mức giảm 10-15% cho các dịch vụ đúc wafer 300 mm và 20% cho wafer 200 mm. Thay đổi này có hiệu lực từ quý IV/2023. Samsung Foundry cũng tham gia khi đưa ra mức giảm từ 5% đến 15% bắt đầu từ quý I/2024 cho các chip dùng tiến trình cũ.
TSMC không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá từ Trung Quốc do sản xuất các dòng chip tiến trình hiện đại hơn. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết công ty cũng đã có những nhượng bộ về giá hợp đồng năm 2023 do liên quan đến nguyên liệu sản xuất. Hãng này cũng giảm chi phí ở một số dịch vụ nhất định, nhưng mức độ cắt giảm phụ thuộc vào số lượng đặt hàng.
Theo Reuters, sản xuất chip đời cũ tại Trung Quốc không chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm từ Mỹ, nên các công ty nước này đang tích cực mở rộng và được sự ủng hộ của chính phủ. Cùng với mô hình và quy trình sản xuất đã hoàn thiện, các công ty cạnh tranh về giá tốt hơn trên thị trường.
Một báo cáo trước đó từ TechNews cũng cho thấy, do điều kiện thị trường bán dẫn trì trệ vào năm 2023, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều mạnh tay hạ 20-30% giá để đảm bảo đơn đặt hàng sản xuất, chủ yếu ở các mẫu chip đời cũ.
Theo dữ liệu của TrendForce năm 2023, ngành sản xuất bán dẫn toàn cầu vẫn do đảo Đài Loan thống trị, chiếm 46%, Trung Quốc 26%, Hàn Quốc 12%, Mỹ 6% và Nhật Bản 2%. Tuy nhiên, đến năm 2027, Trung Quốc dự kiến vượt mức 30%.
Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ năm 2022 định nghĩa chip đời cũ (legacy chip) là những mẫu vi xử lý tiến trình từ 28 nm trở lên, không có công nghệ hiện đại, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng do được ứng dụng nhiều trong máy tính, xe điện, thiết bị quân sự. Theo Reuters, chip đời cũ hiện trở thành đấu trường mới của ngành bán dẫn. Mỹ và châu Âu đang củng cố hàng rào thương mại bằng cách bổ sung quy định vào lệnh cấm đã ban hành trước đó để ngăn Trung Quốc tạo nên làn sóng và mở rộng ảnh hưởng trong mảng này.
Từ đầu tháng 1, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành khảo sát chuỗi cung ứng bán dẫn và cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhằm xác định rõ cách những đơn vị này tìm nguồn cung legacy chip từ Trung Quốc. Các hình thức ngăn chặn của Mỹ chủ yếu xoay quanh đánh thuế nhập khẩu chip đời cũ và ủng hộ đơn vị sản xuất trong nước thông qua tiền vốn hoặc chính sách mới.