Công ty mẹ của mạng xã hội Facebook là gã khổng lồ Meta Platforms Inc. đang thay đổi cách hiển thị các bài đăng và video của người dùng trên mạng xã hội hàng đầu của mình.
Theo Bloomberg, đây là một phần trong nỗ lực thu hút mọi người xem nội dung từ các tài khoản mà họ chưa theo dõi, đồng thời nhắm tới việc cạnh tranh tốt hơn với ứng dụng xem video ngắn làm mưa làm gió suốt thời gian qua là TikTok.
Nguồn cấp dữ liệu chính trên Facebook giờ đây sẽ được gọi là “Home” và sẽ là nơi để mọi người “khám phá nội dung mới”. Phía Facebook cho rằng người dùng sẽ thích điều này, theo một bài đăng trên blog của công ty.
Những nội dung mới được đề cập ở đây bao gồm ảnh và video được chọn bởi thuật toán phần mềm riêng của Facebook, sẽ hiển thị nội dung dựa trên sở thích của người dùng, từ cả những tài khoản mà họ theo dõi và tài khoản họ không theo dõi.
Những thay đổi sẽ bắt đầu vào ngày 21/7, nhưng phần lớn nội dung vẫn đến từ các tài khoản mà người dùng theo dõi, theo một phát ngôn viên của gã khổng lồ Meta. Công ty có kế hoạch tăng nội dung mới mà Facebook có thể hiển thị theo thời gian đồng thời nhắm mục tiêu cải thiện thuật toán đề xuất.
Một tab mới, được gọi là “Feeds”, sẽ chỉ hiển thị các bài đăng từ bạn bè, gia đình, các trang và nhóm mà một người đã chọn theo dõi, với những nội dung mới nhất sẽ được hiện thị lên đầu trang.
“Tab “Home” của bạn sẽ được thay đổi theo hướng cá nhân hóa duy nhất dành cho bạn. Hệ thống này tính đến hàng nghìn tín hiệu để giúp loại bỏ sự lộn xộn và xếp hạng nội dung theo thứ tự mà chúng tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy có giá trị nhất”, theo giải thích từ phía Meta Platforms.
Cạnh tranh với TikTok
Tăng trưởng người dùng của Facebook đã bị đình trệ trong những năm gần đây ở cả Mỹ và châu Âu. Đối thủ của họ, TikTok, được biết đến với lượng người dùng trẻ tuổi, đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người dùng và thời gian họ sử dụng ứng dụng ở Mỹ.
Đổi lại, phía Facebook đã và đang làm việc để thu hút những người trẻ tuổi - một nhóm mà Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đã gọi là “ngôi sao phương bắc” của công ty.
TikTok, có nguồn cấp dữ liệu chính được gọi là trang “For You”, cung cấp các video dạng ngắn cho người dùng với sự trợ giúp từ thuật toán của nó để phân biệt lượt thích và không thích của họ từ hoạt động của họ trên nền tảng.
Thông thường, những video này là từ các tài khoản mà người dùng không trực tiếp theo dõi nhưng có nội dung phù hợp với sở thích của họ. Bên cạnh đó, người dùng cũng có một tab riêng để xem video dạng ngắn từ những tài khoản mà họ theo dõi trực tiếp.
Cách tiếp cận được cá nhân hóa này đã giúp TikTok thành công. Mạng xã hội thuộc kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance có tới 1 tỷ người dùng hàng tháng chỉ trong 4 năm. Mặc dù tổng số tài khoản TikTok chỉ bằng khoảng một phần ba so với tổng số người dùng Facebook (khoảng 2,9 tỷ người), nhưng người dùng mạng xã hội này tại Mỹ dành trung bình 29 giờ mỗi tháng để xem TikTok, gần gấp đôi so với con số 16 giờ dành cho Facebook, theo dữ liệu từ nhà nghiên cứu di động Data.ai.
Tỷ phú Mark Zuckerberg đã thừa nhận thành công của TikTok trong các cuộc họp với các nhà đầu tư trước đây. Ông và công ty cũng đã đẩy mạnh phát triển tính năng xem video ngắn tương tự TikTok có tên là Reels, được tích hợp trên cả Facebook và Instagram.
Một phần trong chiến lược của Meta cũng liên quan đến việc thu hút người sáng tạo tạo ra video chất lượng bắt nguồn từ tính năng “Story”. Một mục đích của nguồn cấp dữ liệu mới là giữ người dùng Facebook trên ứng dụng lâu hơn bằng cách thêm nhiều nội dung gốc hơn và nhiều tài khoản hơn.
Mỗi video mà ai đó đăng lên Instagram có độ dài dưới 15 phút sẽ tự động được gắn nhãn Story. Instagram cho biết, nếu video được tạo bởi một tài khoản công khai và có đội dài dưới 90 giây, nó sẽ đủ điều kiện để phân phối ngoài số người theo dõi của một người. Động thái này cho thấy rằng Reels hiện quan trọng về mặt chiến lược hơn đối với công ty so với các sáng kiến video khác, chẳng hạn như IGTV, được ra mắt vào năm 2018 để cạnh tranh với YouTube.