Liên quan các bài viết phản ảnh tình trạng "Mạo danh chuyên gia nổi tiếng mời đầu tư, bán khóa học" và được quảng cáo trên Facebook, PV Báo Người Lao Động đã gửi câu hỏi đến đội ngũ Meta (quản lý Facebook, Instagram, Threads…) và vừa nhận được các câu trả lời qua email. Tuy nhiên, đội ngũ Meta không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà chỉ trả lời chung về việc kiểm duyệt quảng cáo.
Đội ngũ Meta cho biết: "An toàn và bảo mật của người dùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng với các hành vi lừa đảo và nhanh chóng xóa bỏ các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời khuyến khích người dùng báo cáo các hoạt động đáng ngờ".
Theo Meta, lừa đảo là một mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu, nhắm đến mọi người trên internet và cả trong thế giới thực. Đây là hành vi của đối tượng xấu, thường hoạt động xuyên biên giới, sử dụng các công nghệ tự động hóa và các chiêu trò nhằm vượt qua hệ thống kiểm duyệt. Đối tượng lừa đảo luôn thay đổi chiến thuật, từ sử dụng các dịch vụ, websie, chiêu trò khác nhau, đến kết hợp giữa quảng cáo với bài đăng tự nhiên để nhắm đến người dùng và chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác.
Công ty mẹ Facebook cho biết từ năm 2016 đã chi hơn 20 tỉ USD vào đội ngũ và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật trên nền tảng, bao gồm việc chống lại các hành vi lừa đảo. "Chúng tôi đã phát triển một phương pháp tiếp cận đa chiều để bảo vệ người dùng khỏi lừa đảo, bao gồm các chính sách và hệ thống nhằm ngăn chặn hoặc phá vỡ các hành vi này trên các nền tảng của mình; công cụ và tính năng giúp người dùng báo cáo gian lận và tự bảo vệ hiệu quả hơn; các chiến dịch giáo dục; cũng như hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo những đối tượng này chịu hậu quả trong thực tế" - Meta cho hay.
Meta khẳng định các chính sách nghiêm cấm quảng cáo gian lận và lừa dối, bao gồm các quảng cáo và bài đăng sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để đánh lừa người dùng, thường được gọi là "celeb bait". Meta nói rằng họ chủ động chống quảng cáo lừa đảo bởi hiểu rằng nếu người dùng có trải nghiệm không tích cực trên các nền tảng của Meta thì sẽ không tiếp tục sử dụng. Nhà quảng cáo cũng có thể e ngại quảng cáo trên nền tảng của Meta nếu xuất hiện nội dung độc hại hoặc spam.
"Meta kiểm duyệt quảng cáo dựa trên các tiêu chuẩn nhằm phân biệt giữa quảng cáo lừa đảo và các quảng cáo không vi phạm chính sách của mình. Dù vậy, quá trình này triển khai trên quy mô toàn cầu đã gặp không ít thách thức" – Meta thừa nhận.
Meta cũng khuyến khích người dùng báo cáo các hành vi vi phạm nếu gặp phải, bằng cách nhấn vào biểu tượng 3 chấm ở góc phải trên cùng của quảng cáo. Ngay cả khi quảng cáo đang chạy, người dùng vẫn có thể cung cấp phản hồi nếu cho rằng vi phạm chính sách của Meta.
Người dùng không thích, không có nghĩa là vi phạm
Meta cho rằng không phải tất cả quảng cáo mà người dùng không thích đều vi phạm chính sách, đặc biệt là trong trường hợp celeb bait. Có nhiều quảng cáo sử dụng hoặc đề cập người nổi tiếng được phép, chẳng như nội dung của các nhà xuất bản tin tức quảng bá về các bài báo liên quan người nổi tiếng.