Trong bài phát biểu trước đó một ngày, Tổng thống Pháp đã bác bỏ sức ép gia tăng từ phe đối lập đòi ông từ chức. Ông Macron cũng từ chối nhận trách nhiệm về sự sụp đổ của chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier và đổ lỗi cho các đối thủ của mình. Bên cạnh đó, ông Macron cho biết trong vài ngày tới sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm ông Barnier sau khi ông này bị phế truất bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo truyền thông Pháp, trong số các ứng viên tiềm năng có ông Sébastien Lecornu (Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ ông Barnier), cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve và ông François Bayrou (một đồng minh của Tổng thống Macron).
Đáp lại, lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen bày tỏ hoài nghi rằng chính phủ mới có thể tồn tại lâu dài khi chỉ ra rủi ro rằng ông Macron có thể tiếp tục giải tán quốc hội trong năm sau và chính trường lại rơi vào tình cảnh tương tự. Diễn ra hồi tháng 6 và 7-2024, cuộc bầu cử quốc hội đã dẫn đến quốc hội treo, nơi không có lực lượng chính trị nào có thể giành được đa số tuyệt đối và phe cực hữu giữ vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của chính phủ. Theo các quy định hiến pháp, nước này không thể tổ chức cuộc bầu cử quốc hội mới trước tháng 7-2025. Một số đối thủ đang kêu gọi ông Macron từ chức để phá vỡ thế bế tắc hiện nay dù nhiệm kỳ của ông còn kéo dài đến năm 2027.
Chính phủ Pháp đã sụp đổ ngày 4-12 sau khi Thủ tướng Barnier dẫn một cơ chế hiến pháp hiếm khi được sử dụng để thông qua ngân sách năm 2025 gây tranh cãi mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Khi đó, ông lập luận rằng bước đi này là cần thiết để duy trì sự ổn định trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc. Tuy nhiên, ngân sách "thắt lưng buộc bụng" do ông Barnier đề xuất - cắt giảm 40 tỉ euro chi tiêu và tăng thuế thêm 20 tỉ euro - chỉ càng khiến chia rẽ thêm sâu sắc và căng thẳng gia tăng tại Hạ viện. Kết quả là các nghị sĩ cánh tả và cánh hữu đã cùng nhau ủng hộ bất tín nhiệm ông Barnier.
Đài Al Jazeera nhận định thủ tướng mới sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự dẫn đến sự ra đi của ông Barnier. Một trong những thử thách hàng đầu là thông qua ngân sách năm 2025 tại quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc vào thời điểm Pháp cần khắc phục tình trạng tài chính công suy yếu.