Tài chính

Doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng hỏi: ‘Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?’

Lựa chọn tất yếu

Chiều 6/12, tại diễn đàn “ TPHCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do báo Pháp luật TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, cũng đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng hỏi: ‘Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?’- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TPHCM.

Khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung: phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Theo ông Dũng, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

“Tôi cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh , kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì phát triển bền vững” - ông Dũng nói.

Tại phiên thảo luận Tài chính xanh - nguồn lực cho DN bền vững, bà Nguyễn Thị Việt Hà - quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) - nói rằng còn nhiều rào cản cho nguồn tài chính xanh. Về cơ chế chính sách thì danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí phân loại xanh chưa thống nhất. Cơ chế ưu đãi về thuế phí với các sản phẩm tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện.

Doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng hỏi: ‘Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?’- Ảnh 2.

Muốn chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn.

Xét về yếu tố vận hành, còn thiếu hụt nhân sự chuyên trách ESG hay chuyên gia ngành đánh giá và thẩm định dự án xanh. Nhận thức của DN vẫn còn hạn chế, chưa chú trọng phát triển bền vững, chưa chú trọng kiểm kê khí nhà kính và công bố thông tin phát thải minh bạch, chính xác.

Khó vay ngân hàng để chuyển đổi xanh

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 - thẳn thắn chỉ ra rằng, Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng tín dụng xanh từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước và IMF đồng loạt ban hành sổ tay hướng dẫn cho nhiều ngành và lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng vẫn còn khiêm tốn. Điều này khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế xanh để đưa sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới.

Doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng hỏi: ‘Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?’- Ảnh 3.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh . Điều này bao gồm việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính xanh có chuyên môn cao để tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, không chỉ tập trung vào các dự án lớn như điện gió, điện mặt trời mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

Không ít DN nói rằng, muốn chuyển đổi xanh, họ cần có tài chính. Tuy nhiên, khi DN vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng không quan tâm chuyện “xanh, đỏ” mà họ đặt các câu hỏi như: Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?

Ở góc độ tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế xanh.

Chẳng hạn, ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay lĩnh vực này. Một giải pháp nữa là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng cũng như thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo các khoản vay xanh được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả.

“Với cơ chế này, các bên liên quan sẽ góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế” – ông Lệnh nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm