Kinh doanh

Euromonitor: Dịch vụ ăn uống tại chỗ có thể không bao giờ phục hồi về mức trước đại dịch

Nikkei Asia đưa tin dù đại dịch COVID-19 đã đi qua nhiều năm song ngành kinh doanh F&B trên khắp châu Á vẫn chứng kiến lượng khách vẫn chưa trở lại như trước.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu dịch vụ ăn uống tại nhà hàng chiếm khoảng 60% ngành dịch vụ ăn uống ở châu Á. Số liệu tháng 4 cho thấy con số này giảm mạnh so với mức 76% vào năm 2019.

Trong khi đó, các ứng dụng giao hàng như Grab và Shopee Food lại đang tạo ra sức ảnh hưởng lớn. Đại dịch xuất hiện đi cùng với các biện pháp phong toả, mọi người chuyển sang đặt đồ ăn thức uống online và thói quen này vẫn tiếp tục duy trì đối với nhiều người.

Euromonitor ước tính thị phần giao hàng chiếm 8% thị trường dịch vụ ăn uống vào năm 2018 đã tăng lên 21% vào năm 2023. Dự kiến đến năm 2028, con số này sẽ đạt 23%, đánh dấu hành vi người tiêu dùng có thể thay đổi trong dài hạn.

Dữ liệu của Euromonitor được thu thập từ 46 thị trường trên khắp châu Á, từ Mông Cổ đến Hàn Quốc đến Samoa. 

 Khách đang chọn món tại một cửa hàng trà sữa ở TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ).

"Nó tiện lợi, nhanh chóng", Dao Tran, một người dùng Việt cho biết. Theo người này, nếu không thể nấu ăn thì có thể đặt hàng trên ứng dụng giao đồ ăn. Vị khách hàng này từng sử dụng dịch vụ để gửi thức ăn cho các thành viên trong gia đình bị cách ly trong thời gian đại dịch.

Euromonitor dự đoán rằng doanh thu của dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ tăng lên 67% thị trường vào năm 2028, điều đó có nghĩa là ngành này có thể sẽ không phục hồi được mức trước COVID-19 trong ít nhất 5 năm, hoặc thậm chí là không bao giờ.

Thay vào đó, thực khách đang ưa chuộng các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ đóng gói hoặc giao hàng từ nhà hàng, nhờ "sự cải thiện về tiện lợi và dịch vụ" do các ứng dụng cung cấp. Đông Nam Á là khu vực thu hút sự chú ý khi đây là nơi có lượng tài xế giao đồ ăn đông đảo.

Ngoài ra, khách hàng cũng đang cảm thấy áp lực từ lạm phát. Theo Euromonitor, mức tăng trưởng doanh số bán hàng hàng năm là 1% cho thấy quy mô đơn đặt hàng thực phẩm không tăng. Báo cáo cho biết 72% số người được hỏi ở Việt Nam lo ngại về việc giá cả tăng, trong khi ở Indonesia, các lựa chọn rẻ hơn như quán cà phê và quầy bán hàng có xu hướng hoạt động tốt hơn các nhà hàng có nhân viên phục vụ.

 Quán nhậu tại TP HCM thường chỉ đông đúc mỗi khi có các sự kiện, đặc biệt là các trận bóng đá của đội tuyển quốc gia. (Ảnh: Thành Vũ).

Sự cạnh tranh khốc liệt khiến các ứng dụng giao hàng khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận. Baemin đã rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm ngoái. Trên khắp khu vực, Grab vẫn tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, mặc dù đã có lãi trong quý cuối cùng.

Tuy nhiên, các dữ liệu khác vẫn gợi ý về tiềm năng tăng trưởng của giao hàng thực phẩm. Ngành này có mức tăng trưởng doanh thu hàng năm cao nhất, 60%, so với các công ty công nghệ liên quan đến lĩnh vực như du lịch, vận tải và thương mại điện tử, theo khảo sát trong báo cáo năm 2023 của Google, Temasek và Bain về Đông Nam Á.

Theo Emil Fazira, Giám đốc nghiên cứu thị trường thực phẩm châu Á của Euromonitor, các nhà hàng đã phải điều chỉnh theo bối cảnh cạnh tranh. "Bên cạnh việc cải thiện phương thức bán hàng, các nhà điều hành dịch vụ ăn uống cũng nâng cao giá trị trải nghiệm tại các nhà hàng với thực đơn đầy đủ và nhiều lựa chọn ở các mức giá khác nhau", bà nói. Ngoài ra, Euromonitor dự đoán các quán cà phê cũng sẽ điều chỉnh để thu hút khách hàng.

Báo cáo cho biết ngành công nghiệp thực phẩm ở châu Á sẽ quay trở lại mức trước COVID vào năm nay, đạt doanh thu 1.300 tỷ USD.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm