Công nghệ

Elon Musk phản pháo Twitter

Ba ngày sau khi bị Twitter đệ đơn kiện (12/7), Elon Musk đã có phản hồi chính thức, bằng cách gửi đơn lên tòa án Delaware. Trước đó, ông chỉ bình luận về động thái của mạng xã hội trên trang Twitter cá nhân.

Elon Musk rời tòa án liên bang Manhattan sau phiên điều trần về vụ dàn xếp gian lận với SEC vào năm 2019. Ảnh: Reuters

Elon Musk rời tòa án liên bang Manhattan sau phiên điều trần về vụ dàn xếp gian lận với SEC vào năm 2019. Ảnh: Reuters

Lý do Musk rút khỏi thỏa thuận

Trong đơn, tỷ phú Mỹ nói ông có quyền rút khỏi thỏa thuận với Twitter vì công ty không cung cấp đủ thông tin để xác định liệu số lượng bot và tài khoản rác trên nền tảng có chính xác hay không. Đây là điều ông quan tâm nhất, trong khi đó mạng xã hội dường như chỉ chú ý đến việc thúc đẩy nhanh quá trình mua lại.

Nội dung trong hồ sơ cũng nêu chi tiết về cuộc họp ngày 6/5 giữa Musk với các giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của Twitter, nơi họ thảo luận về cách công ty tính toán số lượng bot trên nền tảng. Hồ sơ cho biết, quy trình mà Musk nhận được từ đội ngũ Twitter "ít nghiêm ngặt hơn" nhiều so với những gì ông mong đợi.

"Musk rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng, quy trình xác định tài khoản spam của Twitter dựa vào hệ thống đánh giá là con người", hồ sơ nêu. "Musk nhanh chóng hiểu rằng, ban quản trị không có cách xử lý đối với vấn đề tài khoản bot rác".

Sau đó, Musk bắt đầu yêu cầu Twitter gửi nhiều dữ liệu người dùng hơn, mục đích là để chạy phân tích của riêng mình. Tuy nhiên, mạng xã hội đã chậm làm điều đó, khiến ông tức giận và quyết định chấm dứt thỏa thuận.

Twitter chưa đưa ra bình luận.

Trước đó, Twitter cáo buộc Musk hành động "thiếu thiện chí mỗi ngày" trong tiến trình đàm phán, đồng thời cho rằng sự không chắc chắn khiến họ thiệt hại ngày càng lớn. Trong đơn kiện, mạng xã hội ra lập trường rằng: Musk đã đồng ý mua công ty, và giờ ông đã từ bỏ các cam kết của mình khiến công ty thiệt hại nặng nề.

"Vào tháng 4, Elon Musk ký một thỏa thuận hợp nhất ràng buộc với Twitter, trong đó hứa nỗ lực hết sức để hoàn thành nó", đơn kiện của Twitter có đoạn. "Giờ đây, sau chưa đầy ba tháng, Musk từ chối tôn trọng các nghĩa vụ của mình với Twitter và các cổ đông, vì thỏa thuận đã ký không còn phục vụ lợi ích cá nhân của ông ta".

Tranh cãi thời gian xét xử

Trong đơn kiện đầu tuần này, Twitter yêu cầu vụ kiện nên được phân xử vào giữa tháng 9. Mạng xã hội cho rằng thỏa thuận thương vụ trước đó dự kiến kết thúc vào ngày 24/10, do đó mọi việc cần được giải quyết trước mốc thời gian này.

Tuy nhiên, phía Musk không đồng ý. Theo hồ sơ gửi đến tòa án Delaware, tỷ phú Mỹ nói rằng tòa án nên từ chối yêu cầu của Twitter và cho rằng sự việc "phức tạp và kỹ thuật" hơn những gì Twitter đưa ra. Ông nhận xét Twitter "bẻ cong tốc độ" khi sắp đặt ngày xét xử, bởi thời gian xác định các vấn đề cần nhiều hơn mức hai tháng.

"Cốt lõi của sự tranh chấp ở đây là các tài khoản giả mạo và thư rác - điều cơ bản đối với giá trị của Twitter", trích nội dung đơn của Musk. "Nó cực kỳ thực tế và chuyên sâu, đòi hỏi phải có thời gian đáng kể để khám phá".

Theo đề xuất của Musk, phiên tòa nên tổ chức sớm nhất sau ngày 13/2/2023.

Cũng liên quan đến quá trình kiện tụng giữa Musk và Twitter, theo ReutersBloomberg, Kathaleen McCormick - thẩm phán sẽ xét xử vụ kiện - sẽ thiết lập một phiên điều trần mới vào ngày 19/7. Phiên điều trần dự kiến kéo dài 90 phút, nhưng chi tiết vấn đề chưa được tiết lộ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm