Theo Bộ GD&ĐT, việc tài khoản mạng xã hội (MXH) “Kaito Kid” đăng thông tin đoán trúng đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020 của Chính phủ.
Được biết tài khoản Facebook này đã ba năm liền đoán đúng đề thi môn ngữ văn với tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm năm 2020 và tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh năm 2021.
Trang Facebook “Kaito Kid” dự đoán đề thi văn năm 2022. Ảnh chụp màn hình
Đoán đúng đề không phải là vi phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh (giảng viên Khoa luật ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho biết Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định vấn đề xử phạt đối với các vi phạm hành chính về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua MXH.
Việc xử phạt tài khoản MXH “Kaito Kid” sẽ được thực hiện theo quy định này nếu có các hành vi vi phạm được xác định là “cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, giả mạo, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, TS Minh nhận thấy những thông tin được chia sẻ về dự đoán đề thi môn ngữ văn không phải là thông tin sai sự thật hay giả mạo. Đây cũng không phải là thông tin bịa đặt, gây hoang mang.
Cạnh đó, hành vi này cũng không thể bị xử phạt theo Nghị định 04/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục bởi không thỏa bất cứ hành vi nào được quy định trong nghị định này.
“Việc đưa ra thông tin dự đoán đúng đề thi môn ngữ văn nêu trên được xác định là dự đoán theo cảm nhận và phân tích cá nhân. Việc làm này cũng có thể giống với hành vi đoán kết quả xổ số, đoán số bàn thắng của một trận đấu, không thỏa các dấu hiệu cấu thành của vi phạm hành chính. Do đó, việc xử phạt nếu có sẽ là rất khiên cưỡng” - TS Cao Vũ Minh nhận định.
Cũng theo TS Cao Vũ Minh, về nguyên tắc, muốn xử phạt vi phạm hành chính phải chứng minh được chủ thể đã thực hiện một vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp này, người có thẩm quyền phải chứng minh là có hành vi trái pháp luật hay không.
Do đó, muốn xử phạt tài khoản MXH này, người có thẩm quyền phải chứng minh có hành vi vi phạm theo Điều 101 Nghị định 15/2020 hay các vi phạm về thi theo Điều 14 Nghị định 04/2021 hay không. Như đã phân tích ở trên, hành vi đoán đề thi văn và cho dù có trùng khớp cả ba năm thì cũng không phải là hành vi vi phạm. Trường hợp này là không thể xử phạt được.
Nhận thấy nhiều người suy diễn về việc lộ đề thi, Facebook “Kaito Kid” kịp thời lên tiếng đính chính và nói rõ hơn cách thức mà mình suy luận để đoán trúng đề văn.
Thêm nữa, trang này chỉ nói đến đề thi là tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chứ không nói rõ nội dung cụ thể là gì. Tác phẩm này có thể được khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau như hình ảnh ẩn dụ của con thuyền, cuộc sống của đôi vợ chồng… Do đó, không thể quy kết đây là hành vi làm lộ đề và cũng không phải là hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, giả mạo hay gây hoang mang dư luận.
“Hành vi đoán đề thi văn và cho dù có trùng khớp cả ba năm thì cũng không phải là hành vi vi phạm, trường hợp này là không thể xử phạt được.” TS Cao Vũ Minh |
Thế nào là gây hoang mang?
Liên quan vấn đề này, ThS Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng hành vi trên của tài khoản MXH “Kaito Kid” có thể được điều chỉnh bởi Điều 101 Nghị định 15/2020 với tình tiết được Bộ GD&ĐT nhận định là chia sẻ thông tin gây hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi và đây có thể đang được suy luận là tình tiết gây hoang mang cho nhân dân theo Điều 101.
Tuy nhiên, theo ThS Quang, nếu muốn xử lý về quy định trên, các nhà chức trách phải cân nhắc căn cứ “gây hoang mang trong nhân dân’” vì yếu tố này mang tính định tính.
“Thế nào là gây hoang mang, gây hoang mang cho ai và mức độ gây hoang mang đến mức chịu trách nhiệm hành chính hay không? Nếu không làm rõ được thì có thể tạo ra tiền lệ xấu về việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện cũng như xâm hại nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” - ThS Lưu Đức Quang bày tỏ.
Theo ông, việc nhiều cá nhân dự đoán đề thi trước mỗi kỳ thi chính là một biểu hiện việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Thực tiễn quản lý nhà nước vấn đề thi cử thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà chức trách cần bổ sung điều cấm hoặc lượng hóa các yếu tố cấu thành vi phạm. Tuy nhiên, theo tinh thần pháp quyền, nguyên tắc công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm nên cần được tôn trọng.
Chỉ là trò vui của các bạn trẻ, không nên cấm Việc tiên đoán về bất cứ vấn đề gì đều không phải vi phạm pháp luật. Đoán thì có thể đúng, có thể sai. Đoán đúng không có thưởng mà đoán sai thì cũng không thể bị phạt. Đã là quan hệ xã hội thì cứ để cho xã hội tự đánh giá, tự điều chỉnh. Cấm đoán việc đoán đề thi khác gì cấm đoán việc tiên đoán về số trúng, cấm tiên đoán về tỉ lệ bàn thắng thua của một trận đấu bóng đá... Trong khi đó, pháp luật và cả thực tế đâu có cấm tiên đoán những vấn đề trên. Trong vụ việc này, trang “Kaito Kid” dựa trên phân tích mà đoán đúng cũng không có ai thưởng cho họ. Do đó, không nên cấm đoán nếu như không chứng minh được trang này có hành vi trái pháp luật. Tôi nghĩ các cơ quan nhà nước cũng không cần làm việc với trường ĐH mà các sinh viên này đang học bởi hành vi đăng tải thông tin không thuộc quyền quản lý của nhà trường. Trường hợp họ vi phạm pháp luật thì các cơ quan nhà nước sẽ xử lý. Sau đó, nhà trường có thể căn cứ vào quy chế mà xử lý (nếu có). Các quan hệ xã hội vốn rất đa dạng, pháp luật khó có thể điều chỉnh hết. Do đó, trong tương lai, không thể dùng mệnh lệnh hành chính cấm đoán việc dự đoán đề thi. Tất nhiên, hành vi vi phạm thì vẫn bị xử lý, còn việc đoán trước đề lại không phải là vi phạm. TS CAO VŨ MINH (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) |