Ghi nhận tại dự báo của Vantage Market Research, thị trường e-Commerce B2B dự đoán sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 18,3% từ 2022 cho đến 2028. Trong 2021, thị trường e-Commerce B2B có giá trị lên tới 6.920 tỷ USD và được mong đợi sẽ đạt 18.900 tỷ USD trong năm 2028. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ thống trị thị trường e-Commerce B2B, bao gồm Việt Nam.
Thực tế, không chỉ riêng tại Việt Nam, nhiều thị trường mới nổi khi muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đã và đang áp dụng quy trình nửa tự động, nửa số hoá và phụ thuộc vào nhiều công đoạn thủ công. Điều này khiến doanh nghiệp bị thiệt thòi khi tham gia thị trường do sự vận hành thiếu liền mạch giữa các bước, tốn kém chi phí, gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin kịp thời của thị trường, thách thức khi muốn tối ưu hoá lưu kho…
Đó là những số liệu được đề cập bởi Disrptiv Exchange, trong công bố mở rộng hoạt động thông qua đối tác chiến lược ở thị trường Việt Nam là AKA Digital Việt Nam. Được biết Disrptiv Exchange có trụ sở tại Singapore, công ty cung cấp nền tảng B2B Marketplace – glassRun: Giải pháp số hoá quy trình bán hàng, thực hiện đơn và khâu logistics cho các doanh nghiệp trong ngành khai thác khoảng sản, FMCG, nước giải khát và dầu khí ở Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar.
Ở Việt Nam, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung vào nhóm FMCG và nước giải khát. Trước đó vào năm 2017, Disrptiv Exchange đã có khách hàng đầu tiên là doanh nghiệp trong ngành nước giải khát ở Việt Nam. Sau thành công với doanh nghiệp này, Công ty đã dự định mở rộng thị trường từ năm 2020 nhưng do dịch bệnh phải hoãn đến thời điểm hiện tại.
Theo đại diện là ông Jiten Pitkar, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Disrptiv Exchange, có 2 lý do Công ty đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động tại Việt nam, gồm:
Thứ nhất, làn sóng dịch chuyển nhà máy ở Đông Nam Á để cải thiện chuỗi cung ứng sau dịch bệnh đã khiến Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà sản xuất quy mô toàn cầu.
Thứ hai, tốc độ phát triển của thương mại điện tử đang tạo áp lực lên các nhà sản xuất, chính vì thế họ cần các giải pháp chuyển đổi số toàn bộ quy trình cung ứng và mạng lưới các nhà phân phối để thích nghi với thị trường.
"Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong kể từ khi dịch bệnh diễn ra, các chủ doanh nghiệp sản xuất ở Đông Nam Á đã chuyển trạng thái "vì sao phải chuyển đổi số" sang "làm như thế nào hiệu quả". Việt Nam cũng không ngoại lệ", ông nói.
Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu thương mại điện tử mô hình B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) tăng gấp 5 lần so với mô hình B2C (doanh nghiệp đến người dùng) và được dự đoán là ở mức 80 tỉ USD trong năm 2022.
"Đó là lý do chúng tôi là một trong những du khách đầu tiên đặt chân đến Việt Nam khi chính phủ mở cửa các đường bay. Việc lựa chọn AKA Digital cũng nằm trong chiến lược của công ty. Với 25 năm kinh nghiệm kinh doanh ở Châu Á, ông Jiten cho biết thị trường này rất đặc thù, hoạt động kinh doanh chỉ có thể phát triển dựa trên tin tưởng và văn hoá bản địa. Và AKA Digital đang là đối tác vàng của Orcale tại Việt Nam, rất phù hợp với kế hoạch phát triển của Disrptiv Exchange", ông Jiten bổ sung.
Về phía AKA Digital, ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Điều hành, cho biết hợp tác với Disrptiv Exchange nằm trong chiến lược tổng thể của AKA Digital để phát triển danh mục các giải pháp về trải nghiệm khách hàng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, AKA Digital là thành viên của Lava Digital Group, có 10 năm kinh nghiệm cung cấp các giải pháp Công nghệ tiếp thị (Martech) cho các doanh nghiệp.