Tại Hội thảo kinh tế vĩ mô thường niên năm 2022 được Trường đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến lạm phát, chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Hiểu rõ nguồn gốc của lạm phát để có những quyết sách phù hợp
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, đại học Fulbright Việt Nam, tình hình lạm phát trên thế giới có thể được phân thành 4 màu đó là đỏ, cam, vàng và xanh. Trong đó, nhóm đỏ có tình hình lạm phát kém tích cực nhất và nhóm xanh là nhóm có tình hình khả quan nhất (dưới 5%).
Nhóm đỏ có một số đại diện thuộc các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và một số nước của khối EU. Các quốc gia kể trên bên cạnh việc gánh vác áp lực lạm phát từ giá dầu tăng còn phải chịu thêm hệ quả từ các đợt nới lỏng tiền tệ quá mạnh trong đại dịch.
Nhóm xanh có 3 đại diện thuộc khối ASEAN là Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Điểm chung của các nước này là có xuất khẩu lương thực ròng dương. Vì thế các quốc gia này không chịu áp lực nhập khẩu lương thực từ bên ngoài.
"Mạnh tay thắt chặt tiền tệ ở nhóm xanh thời điểm này sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Nếu áp lực lạm phát chỉ đến từ phía giá dầu vẫn có thể dùng chính sách tài khóa cắt giảm thuế phí thay vì áp dụng các biện pháp tiền tệ", ông Thành chia sẻ.
Chuyên gia nhận định, những biến động trong tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ và cả diễn biến của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá năng lượng thời gian tới. Giá dầu vừa qua cũng đã giảm khoảng 17%, từ 120 USD xuống còn khoảng 100 USD/thùng. Nếu giá dầu vẫn tiếp tục được duy trì ở mức này trong thời gian tới, áp lực lạm phát trong nước sẽ có thể giảm xuống.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, "bão giá" chủ yếu là do chi phí đẩy từ giá nguyên nhiên liệu. Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn có thể đến từ các gói hỗ trợ đang được triển khai. Vì thế, thời gian tới chính sách tiền tệ và tài khóa cần phải hết sức thận trọng.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, lạm phát hiện nay chủ yếu là do chi phí đẩy. Song cũng cần phải lưu ý rằng trong 2 năm Covid, một "cơn lũ tiền" đã được bơm ra thị trường và tạo ra một sự dư thừa tín dụng rất lớn. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thời gian gần đây cũng đã đảo chiều chính sách tiền tệ. Vì thế thời gian tới cần phải lựa chọn một chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt.
Nên hay không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn?
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà Ngân hàng nhà nước đề ra hồi đầu năm nay là chưa phù hợp.
Cụ thể, năm 2021 GDP chỉ tăng khoảng 2,6% mà tăng trưởng tín dụng đã gần 14%. Nếu xem xét quá khứ thì giai đọan 2016-2020 con số này vào khoảng 16%/năm. Nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế có thể tăng trưởng 6-7% trong năm nay. Vì thế tăng trưởng tín dụng và cung tiền cũng cần phải được nâng lên.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cần phải xét đến đó là lạm phát. "Bão giá" sẽ khiến cho các chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng lên. Chính vì thế nhu vay cũng sẽ gia tăng và tăng trưởng dư nợ cần phải được điều chỉnh.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành trong khi đó đánh giá, tăng trưởng tín dụng ở mức 16-17% là quá cao. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dư nợ trong năm nay có thể sẽ cao hơn 14%. Các ngân hàng thời gian tới cũng có thể được nới room và tình hình sẽ khả quan hơn.
Ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, kinh nghiệm quá khứ cho thấy việc mở rộng chính sách tiền tệ thiếu chừng mực có thể để lại những hệ quả không tốt và kéo dài. Cụ thể, giai đoạn năm 2009-2011, chính sách tiền tệ đã được mở rộng quá mạnh và nó đã dẫn đến những hệ lụy mà mãi đến năm 2014 vĩ mô mới cơ bản được ổn định.
"Tôi ủng hộ quan điểm các chính sách vĩ mô phải hết sức hài hòa, chúng ta mở rộng tín dụng nhưng không mở rộng quá mức. Trong dài hạn, để thị trường phát triển bền vững không nên để dòng tiền nóng chảy vào thị trường tài sản một cách thái quá", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14% đã phù hợp với điều kiện hiện nay. Những năm trước đây con số này chỉ vào khoảng 12%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi sát diễn biến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng để có các quyết sách phù hợp và kịp thời.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng đã có những trao đổi và có những ý kiến có giá trị về hoạt động chuyển đổi số, tình hình triển khai các gói kích thích, các vấn đề về kinh tế, lao động và an sinh xã hội khác.