Khoa học

Loài chim có nguy cơ tuyệt chủng vì... yêu nhầm

Loài chim có nguy cơ tuyệt chủng vì... yêu nhầm - Ảnh 1.

Một con chim sáo tai đen thuần chủng ở Victoria - Ảnh: Murraylands and Riverland Landscape Board

Chim sáo tai đen chủ yếu cư ngụ ở một số khu vực nhiều cây xanh thuộc tiểu bang Nam Úc và Victoria (Úc), thường được những tay mê chơi chim săn mồi yêu thích tìm kiếm.

Những đường nét đặc biệt trên khuôn mặt khiến chúng trông giống như những siêu anh hùng đeo mặt nạ trong những bộ phim hoạt hình. Chiếc mỏ màu vàng cam sáng nổi bật, tương phản với bộ lông màu xám nhạt của chúng.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học Úc, việc tìm thấy một con chim sáo tai đen thuần chủng về di truyền ngày càng khó khăn, thậm chí có những nơi như "mò kim đáy biển".

Hiện một dự án tham vọng do Chính phủ Liên bang tài trợ kinh phí đang được triển khai, nhằm bảo vệ loài chim sáo tai đen đang bị đe dọa này.

Trưởng dự án, Tiến sĩ Wendy Stubbs, cùng nhóm nghiên cứu sinh thái học của bà lý giải lý do chúng bị đe dọa: Thảm thực vật trong khu vực biến đổi vì mục đích nông nghiệp. Những con đập được xây thêm, các đàn gia súc và nhiều loài chim "lấn sâu" vào những cánh rừng vốn trước đây ít thấy chúng xuất hiện…

Kết quả, môi trường sống của sáo tai đen bị "chia năm sẻ bảy" với nhiều loài vật như dê, thỏ, chuột túi từ các hộ dân. Ngoài ra còn có loài sáo mỏ vàng.

Không giống như sáo tai đen, sáo mỏ vàng từ lâu đã quen với việc sống chung với nhiều loài khác. Khi sáo tai đen và sáo mỏ vàng sống gần nhau hơn, chúng lại dễ giao phối nhầm.

Các con lai của 2 loài này đang gia tăng với số lượng đáng kể, kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng của sáo tai đen thuần chủng.

Loài chim có nguy cơ tuyệt chủng vì... yêu nhầm - Ảnh 2.

Chim sáo tai đen "lai" - Ảnh: Sandy Horne

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Stubbs sẽ khảo sát 200 địa điểm cư ngụ ưa thích của chim sáo tai đen ở Nam Úc và Victoria để lấy mẫu gen phân tích. Từ đó, nhóm sẽ tính toán được mức độ phối giống đang diễn ra giữa hai loài và đưa ra các cách thức xác định chim thuần chủng.

Trong thời gian tới, tiến sĩ Stubbs cũng sẽ sử dụng cách "loại bỏ chiến lược" những chim sáo mỏ vàng chủ chốt khỏi môi trường sống của sáo tai đen để kéo giảm tỉ lệ "kết bạn" nhầm giữa chúng.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể giữ lại chim sáo tai đen trong hệ sinh thái của mình", tiến sĩ Stubbs nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm