Công nghệ

Elon Musk đăng ảnh chế Twitter "đã chết"

"Có một lượng kỷ lục người dùng đang đăng nhập để xem Twitter đã chết hay chưa, trớ trêu thay lại khiến nền tảng trở nên sôi động hơn bao giờ hết", Musk tweet ngày 18/11. Ảnh chế xuất hiện sau đó, với nội dung là nấm mồ được ghép với logo Twitter, xung quanh là những người đang cười đùa, thậm chí giơ ngón tay hình chữ V (chiến thắng).

Ảnh chế được Musk đăng trên trang cá nhân.

Ảnh chế được Musk đăng trên trang cá nhân.

Việc tỷ phú Mỹ đăng meme được cho là để đáp lại những lo ngại rằng Twitter có thể sụp đổ khi hàng loạt nhân viên rời đi. Trong hai ngày nay, những hashtag như #TwitterDown (Twitter sụp đổ), #TwitterIsDead (Twitter đã chết) hay #RIPTwitter (Vĩnh biệt Twitter) xuất hiện liên tục trên mục xu hướng.

Làn sóng 'di cư' trong Twitter

Ngày 18/11, tài khoản Matt Miller đăng video ông đứng tại trụ sở công ty và đếm ngược thời gian rời đi với ba người khác, cùng câu nói "Chúc mừng năm mới". Video nhanh chóng nhận hơn hai triệu lượt xem và gần 40.000 lượt thích.

Miller là một trong 1.200 nhân viên toàn thời gian chọn cách nghỉ việc thay vì ở lại để "làm việc chăm chỉ" theo đòi hỏi của Musk. Trước đó, tỷ phú Mỹ yêu cầu nhân viên có hai ngày để lựa chọn: làm việc năng suất 7 ngày một tuần, hoặc nhận ba tháng lương thôi việc.

Trên Twitter, nhiều nhân viên đăng biểu tượng cảm xúc chào tạm biệt, cho thấy họ đã chọn không ở lại. Một cựu giám đốc Twitter thậm chí mô tả khung cảnh nội bộ là "cuộc di cư hàng loạt". "Elon đang dần nhận ra ông ấy không thể bắt nạt những tài năng hàng đầu. Họ có nhiều lựa chọn và không chấp nhận những trò hề của ông ta", người này nói trên kênh nội bộ trước khi rời trụ sở. "Họ sẽ đấu tranh và không chịu khuất phục". Đánh giá này sau đó được nội bộ Twitter chia sẻ rộng rãi.

Theo nguồn tin nội bộ nói với CNN, mạng xã hội đã rơi vào tình trạng rối loạn vài giờ trước khi thời hạn Musk đưa ra kết thúc, khi đội ngũ lãnh đạo tìm mọi cách thuyết phục nhân tài ở lại. "Tôi không muốn quanh quẩn để xây dựng một sản phẩm bị đầu độc từ trong ra ngoài", một cựu nhân viên cho biết.

Trong khi đó, nguồn tin nội bộ nói những người ở lại Twitter hầu hết đều có lý do riêng. "Có những người không thể rời đi lúc này. Họ có con mắc bệnh, cha mẹ già cần chăm sóc, hoặc đang mua nhà, bị hạn chế về thị thực, eo hẹp về tiền bạc vì phải giúp đỡ người thân ở nước ngoài, hoặc đơn giản là sợ hãi về thị trường vào lúc này", một người nói với Vice.

Lo ngại Twitter 'chết'

Theo các chuyên gia, việc nhân sự nghỉ hàng loạt có thể khiến Twitter rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Thực tế, trong thời gian Twitter lục đục, nhiều người dùng báo cáo mạng xã hội gặp khó khăn khi truy cập. Trên website Downdetector, hàng nghìn người phản ánh không thể đăng nhập Twitter qua trang web và ứng dụng, hoặc tốc độ chậm, nhắn tin trực tiếp không thành công...

Việc Twitter sụp đổ có thể gây hậu quả nặng nề do đây là một trong những nền tảng quan trọng đối với truyền thông toàn cầu. Theo CNN, Twitter thường được so sánh với một quảng trường thành phố trong giới kỹ thuật số, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng Twitter để liên lạc, các nhà báo thu thập tin tức, người nổi tiếng và thương hiệu lớn đưa ra các thông báo quan trọng, công chúng theo dõi mọi thứ trong thời gian thực.

"Nếu nền tảng chết hoặc không sử dụng được do thiếu ổn định, sẽ không có không gian đơn lẻ nào tương tự có thể thay thế nó ngay lập tức. Điều này có thể khiến thông tin liên lạc bị đứt đoạn trên nhiều website truyền thông xã hội, dẫn đến sự gián đoạn và làm chậm luồng thông tin", CNN bình luận.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm