Ngày 8/9, ECB đã nâng ba loại lãi suất chủ chốt thêm 75 điểm cơ bản (bps). Trong đó, lãi suất tiền gửi tăng từ 0% lên 0,75%. Hội đồng Quản lý ECB tuyên bố sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong các cuộc họp tới với mong muốn đưa lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) quay về mức mục tiêu trung hạn 2%/năm.
“Trong vài cuộc họp tới, Hội đồng Quản lý dự định sẽ tiếp tục nâng lãi suất để hạn chế tổng cầu và tránh rủi ro kỳ vọng lạm phát liên tục lên cao”, ECB viết trong thông cáo ngày 8/9. “Lạm phát hiện đang quá cao và nhiều khả năng sẽ ở trên mức mục tiêu trong thời gian dài. Theo thống kê nhanh của Eurostat, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 lên tới 9,1%”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất ở mức kỷ lục 75 điểm cơ bản 08/09/2022 - 21:42
Lãi suất của ECB hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát của eurozone còn đang ở đỉnh lịch sử của khối này.
Giá năng lượng cũng như lương thực tăng phi mã đang tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở lục địa già.
Chủ tịch Christine Lagarde và các lãnh đạo khác của ECB dự báo lạm phát trung bình trong năm nay vào khoảng 8,1% và năm sau là 5,5%, cao gấp nhiều lần con số mục tiêu 2%.
Nếu ECB tăng lãi suất một cách từ tốn hơn, thông điệp gửi tới thị trường sẽ là Ngân hàng Trung ương châu Âu đang bình tĩnh và cố gắng cân bằng rủi ro lạm phát với mối nguy suy thoái. Tuy nhiên, động thái quyết liệt trong cuộc họp ngày 8/9 cho thấy ECB muốn thể hiện cam kết cao độ trong cuộc chiến chống cơn bão giá.
Báo cáo phân tích của chính ECB dự báo nền kinh tế euro zone chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2023. Ước tính này được đưa ra trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đóng hoàn toàn đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới châu Âu.
Hiện nay, các quốc gia lục địa già đang phải tất bật xoay xở để kiếm đủ khí đốt cho mùa đông lạnh giá sắp đến. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phải giảm quy mô hoạt động do không đủ nhiên liệu.
Theo Reuters, quyết định ngày 8/9 của ECB sẽ không có nhiều tác động tới tình trạng lạm phát hiện nay, một phần là bởi giá nhiên liệu thế giới lên cao. Ngoài ra, ECB có thể còn bị chỉ trích vì không hỗ trợ nền kinh tế eurozone thoát khỏi quả bom suy thoái do Nga châm ngòi.
Nguy cơ đồng euro tiếp tục đi xuống
Theo lý thuyết kinh tế thông thường, lãi suất euro cao sẽ thu hút các nhà đầu tư mua euro, qua đó đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao tương đối so với các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, lạm phát và suy thoái lại là những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị tiền tệ trên thị trường ngoại hối.
Theo Reuters, những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra cho nền kinh tế eurozone nghiêm trọng tới nỗi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của ECB cũng sẽ không giúp gì nhiều trong việc chặn đà giảm của đồng euro.
Hôm 5/9, đồng euro giảm xuống dưới 0,99 USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2002, sau khi Nga thông báo dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Hành động của Nga đã khiến cho giá nhiên liệu bật tăng và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu khí đốt.
Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng ECB hiện nay cần phải chú ý tới giá trị của euro nhiều hơn so với những lần khó khăn trước đây vì dầu mỏ và khí đốt được yết giá theo USD. Euro mất giá so với USD sẽ càng khuếch đại tác động của xu hướng giá năng lượng nhập khẩu lên cao.
Không riêng gì năng lượng, các mặt hàng nhập khẩu khác cũng đắt đỏ hơn khi euro mất giá, khiến cho lạm phát tại châu Âu càng thêm trầm trọng.
Các nhà phân tích cho rằng việc ECB nâng lãi suất thêm 75 bps cũng không có nhiều tác dụng hãm đà giảm của euro.
“Đợt tăng lãi suất mạnh tay này sẽ không có ích gì trong việc giải cứu euro. Một cuộc suy thoái đang ở phía trước và những quan ngại về địa chính trị là không thể kiểm soát được”, bà Agnès Belaisch, Giám đốc chiến lược thị trường châu Âu tại Barings Investment Institute, nhận định.
“Trong thực tế, khả năng cao là giai đoạn lãi suất tăng sẽ trùng với thời kỳ lạm phát và suy thoái trong năm 2023”, bà Belaisch nói thêm.
Hôm 5/9, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo euro sẽ suy yếu xuống còn 0,97 USD và tiếp tục ở ngưỡng này trong 6 tháng sau đó bởi sự hủy hoại nhu cầu do cuộc khủng hoảng khí đốt gây ra sẽ dẫn tới “một đợt suy thoái sâu hơn và dài hơn”.
Capital Economics điều chỉnh dự báo giá trị của euro trong năm tới xuống còn 0,9 USD, giảm khoảng 9-10% so với mức hiện nay.
Theo Reuters, giá trị của euro trong những tháng gần đây có xu hướng biến động ngược chiều với giá khí đốt. Biểu đồ bên dưới cho thấy giá euro đi xuống trong khi giá khí tự nhiên Dutch TTF tăng mạnh so với đầu năm ngoái.
Suy thoái kinh tế sẽ kéo đồng euro mất giá sâu hơn
Theo Reuters, khu vực eurozone gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái khi hoạt động kinh doanh đã suy giảm trong hai tháng liên tiếp 7 và 8.
S&P Global công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) châu Âu tháng 8 chỉ đạt 48,9 điểm, giảm so với mức 49,9 điểm trong tháng 7 và thấp nhất trong 18 tháng trở lại đây. PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang sa sút.
Cú sốc năng lượng đang gây ra những thiệt hại nặng nề và dữ liệu thị trường cho thấy dân đầu cơ đang tăng cường gây áp lực giảm giá lên đồng euro.
UniCredit ước tính trong 5 năm trước dịch COVID-19, EU nhập khẩu khoảng 400 tỷ USD dầu mỏ và khí đốt mỗi năm.
Nếu giá khí đốt vẫn ở 100 euro/MWh (gấp 5 lần trung bình 5 năm gần đây), giá dầu duy trì ở 100 USD/thùng và euro ngang giá với USD, chi phí nhập khẩu dầu khí của EU sẽ tăng lên thành 600 tỷ euro, tương đương 6% GDP.
Các nhà kinh tế và phân tích tiền tệ cho rằng những thiệt hại về kinh tế sẽ còn nặng nề hơn dự báo vài tháng trước đây.
Reuters dẫn lời ông Robin Brooks, Kinh tế trưởng Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nói: “Những nhận định về eurozone liên tục thay đổi. Vài tháng trước, mọi người nói là ‘Sẽ không có suy thoái đâu’. Gần đây thì là ‘Sẽ suy thoái, nhưng mức độ nhẹ thôi’. Đến cuối tuần trước, chúng ta thấy sự chuyển biến cuối cùng: ‘Sẽ suy thoái sâu đấy’. Euro sẽ còn giảm rất mạnh nữa”.