Lạm phát leo thang, lo ngại suy thoái, mâu thuẫn Nga - Ukraine, giá năng lượng tăng và Covid-19 tái bùng phát đã tạo ra sự hỗn loạn cho các thị trường từ cổ phiếu đến trái phiếu và hàng hoá trong năm nay.
Christopher Smart - trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu tại Barings và chủ tịch Viện đầu tư Barings, cho biết: "Thị trường Mỹ dường như gặp ít trắc trở nhất trong một môi trường đầy trở ngại. Mọi nơi đều chứng kiến kinh tế giảm tốc, nhưng Mỹ dường như lại ổn hơn do thị trường lao động vẫn tăng trưởng tốt."
Theo dữ liệu của Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu và tương hỗ của Mỹ liên tục trong 4 trên 6 tuần qua và rút tiền từ các quỹ chứng khoán quốc tế trong 20 tuần liên tiếp. Đây là đợt rút ròng kéo dài nhất kể từ khi 22 tuần kết thúc vào tháng 10/2019.
Nhà đầu tư tin rằng, ngay cả khi kinh tế Mỹ suy thoái, thì cuộc suy thoái này cũng không sâu sắc hoặc kéo dài. Chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn định bất chấp lạm phát. Hơn nữa, một số áp lực giá cũng dường như đã đạt đỉnh. Thị trường lao động cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
S&P 500 đã vượt qua các chỉ số chứng khoán chính ở châu Âu và châu Á kể từ khi chạm mức thấp nhất năm vào giữa tháng 6. S&P 500 tăng 6,6% kể từ ngày 16/6, trong khi Stoxx Europe 600 tăng 2,9%. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 4,5%. DAX của Đức và Shanghai Composite giảm 1,3%.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi số liệu mới từ lĩnh vực dịch vụ và "Beige Book" của Fed để tìm kiếm "manh mối" dự đoán xu hướng thị trường. Ngoài ra, sự kiện đáng chú ý khác là cuộc họp chính sách của ECB với dự kiến NHTW châu Âu sẽ tăng lãi suất.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ trong mùa hè qua bắt đầu chậm lại sau khi Fed báo hiệu sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất, ngay cả khi nguy cơ suy thoái đang hiện rõ. S&P 500 đã giảm 3 tuần liên tiếp, đưa mức giảm trọng năm nay lên 18%.
Trong khi đó, đồng USD - được coi là hầm trú ẩn cho nhà đầu tư trên toàn thế giới, đã tăng lên mức đỉnh 20 năm. Theo đó, các đồng tiền tệ lớn khác, bao gồm đồng yen Nhật, euro và bảng Anh, rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Khi USD tăng giá, lợi nhuận cổ phiếu ở Mỹ sẽ hấp dẫn hơn so với chứng khoán ở quốc gia khác.
Jerry Braakman - chủ tịch kiêm CFO của First American Trust, cho biết ông đang tìm kiếm hầm trú ẩn trong trái phiếu Kho bạc, tiền mặt và cổ phiếu phòng thủ của Mỹ trong năm nay. Ông không muốn tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ở các quốc gia khác, như các thị trường mới nổi, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu trong thời gian tới.
Theo khảo sát của Bank of America, các nhà quản lý quỹ toàn cầu dường như cũng có bước đi tương tự. Trong tháng 8, 34% người được hỏi cho biết họ đã giảm tỷ trọng cổ phiếu châu Âu, trong tăng 10% tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu Mỹ. Đây là sự thay đổi lớn so với tháng 1 khi 35% tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu châu Âu và 5% tăng tỷ trọng cổ phiếu Mỹ.
Dẫu vậy, một số nhà đầu tư vẫn lạc quan đối với cổ phiếu ở quốc gia khác, cho rằng định giá đang ở mức hấp dẫn hơn sau nhiều năm vượt trội so với chứng khoán Mỹ. Ví dụ, Stoxx Europe 600 gần đây giao dịch ở mức 11,61 lần lợi nhuận dự phóng 12 tháng, so với 16,70 của S&P 500, theo FactSet.
Dan Tolomay, CIO của Trust Company of the South, cho biết ông sẽ cân nhắc việc tăng tỷ lệ nắm giữ chứng khoán quốc tế nếu lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng. Ông nói: "Định giá của các thị trường khác đang hấp dẫn hơn và chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận cũng tốt hơn trong tương lai."
Tham khảo Wall Street Journal